1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đàn ông phải cắt bỏ 2 "hạt ngọc" treo trong ổ bụng suốt 43 năm

Hồng Hải

(Dân trí) - Đến viện khám, bệnh nhân ngỡ ngàng khi bác sĩ chẩn đoán ung thư tinh hoàn, phải cắt bỏ. Bệnh nhân mắc hội chứng ẩn tinh hoàn 2 bên, nhưng vẫn có 2 người con.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nghiêm Trung Hưng, khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nam bệnh nhân 43 tuổi (Bắc Ninh) đến viện khám vì đau bụng, sờ thấy khối căng tròn vùng hạ sườn phải.

Người bệnh cho biết, từ bé anh đã không sờ thấy tinh hoàn ở 2 bên bìu, nhưng vẫn lấy vợ và sinh được 2 con gái.

Sau khi khám, chiếu chụp và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng ẩn tinh hoàn hai bên, theo dõi ung thư tinh hoàn phải, teo tinh hoàn trái. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn 2 bên.

Người đàn ông phải cắt bỏ 2 hạt ngọc treo trong ổ bụng suốt 43 năm - 1

Một ca phẫu thuật ẩn tinh hoàn (Ảnh minh họa).

"Sau phẫu thuật 7 ngày, bệnh nhân vừa ra viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Chẩn đoán sau phẫu thuật cho thấy bệnh nhân thư tinh hoàn phải, xơ teo tinh hoàn trái. Bệnh nhân cần tiếp tục điều trị hóa chất bổ trợ và nội tiết", bác sĩ Hưng cho biết.

Theo bác sĩ Hưng, tinh hoàn ẩn là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến của đường tiết niệu sinh dục. Khoảng 0,4 % nam giới bị ẩn tinh hoàn, tình trạng này xuất hiện ở 5-6 % trẻ sơ sinh đủ tháng và 25 % trẻ sơ sinh non. Tinh hoàn ẩn gây ra tình trạng vô sinh, teo tinh hoàn và ung thư tinh hoàn.

Các nghiên cứu cho thấy, những người bị ẩn tinh hoàn, tỷ lệ ung thư cao gấp 7,5 lần so với tinh hoàn ở bìu và khoảng 5-10 % năm giới mắc ung thư tinh hoàn bị ẩn tinh hoàn.

Sự biến đổi ác tính thường biểu hiện ở năm 30-40 tuổi. Theo các chuyên gia, nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn so với ở bìu làm suy yếu quá trình chuyển đổi tế bào sinh tinh ở trẻ sơ sinh thành tinh nguyên bào và gây biến đổi theo hướng ác tính sau tuổi dậy thì.

Hai là đã có sự biến đổi tiềm ẩn từ khi tinh hoàn còn phát triển trong tử cung của người mẹ gây ra tình trạng ẩn tinh hoàn và ác tính hóa. Điều này cũng có thể giải thích vì sao tỷ lệ mắc ung thư tinh hoàn tăng nhẹ ở bên đối diện.

Tình trạng tinh hoàn ẩn thường được phát hiện khi trẻ còn nhỏ, được khuyến nghị phẫu thuật hạ tinh hoàn trước khi trẻ được 2 tuổi. Dù phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn có thể không ngăn ngừa được sự phát triển thành ung thư ở tất các các bệnh nhân, thì nó chắc chắn giúp phát hiện sớm ung thư tinh hoàn.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo, đối với các gia đình mới sinh em bé trai, cần kiểm tra xem 2 tinh hoàn có nằm trong bìu hay ở vị trí khác để đi khám, can thiệp sớm.

Tinh hoàn ẩn rất dễ nhận biết, bố mẹ khi kiểm tra có thể thấy 2 bên bìu không cân nhau, một bên có tinh hoàn, một bên không có, biểu hiện lép hơn. Việc can thiệp hạ tinh hoàn không quá phức tạp. Hiện nay, với kỹ thuật mổ, bố mẹ thậm chí không nhìn thấy sẹo sau mổ. Mổ hôm trước, hôm sau trẻ đã được xuất viện về nhà.