Người đàn ông nhồi máu cơ tim nguy kịch giữ được mạng nhờ "một cuộc gọi"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Người đàn ông bị nhồi máu cơ tim nguy kịch không thể chần chừ điều trị. Tuy nhiên gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nên có ý không muốn can thiệp, chấp nhận rủi ro xấu nhất.

Ngày 3/6, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi này vừa cứu thành công một trường hợp bị nhồi máu cơ tim nặng.

Bệnh nhân là người đàn ông 60 tuổi, được đưa đến viện vào khoảng 18h30 ngày 2/6. Khai thác bệnh sử, trước đó 2 giờ, người này chóng mặt xây xẩm, té đập đầu, đau ngực, vã mồ hôi. Bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá khoảng 3 gói/ngày.

Ngay sau khi tiếp nhận, ekip trực đã tiến hành đo điện tim và ghi nhận bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng nhịp chậm, nguy cơ ngưng tim dẫn đến tử vong cao. Có hai phương án can thiệp cho bệnh nhân lúc này, gồm đặt stent mạch vành hoặc dùng thuốc tiêu sợi huyết.

Người đàn ông nhồi máu cơ tim nguy kịch giữ được mạng nhờ một cuộc gọi - 1

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Đinh Hoàng Phát, khoa Nội tim mạch - Lão học chia sẻ, do bệnh nhân nhập viện trong "thời gian vàng" (giờ thứ 3) nên cả 2 phương án trên đều có thể thực hiện (đặt stent sẽ được ưu tiên hơn). Tuy nhiên vì bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nên khi biết viện phí dự kiến phải trả, gia đình có ý không muốn điều trị, chấp nhận rủi ro xấu nhất.

Trước tình cảnh bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong nếu không được can thiệp, các bác sĩ lập tức hội chẩn, xin ý kiến lãnh đạo khoa và Bệnh viện. Lúc này qua điện thoại, Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo can thiệp cứu người trước, chi phí tính sau.

Cùng với sự đồng ý của người nhà bệnh nhân, 2 ekip điều trị đã khẩn trương vào cuộc. Ekip thứ nhất đặt máy tạo nhịp tạm thời đảm bảo sự an toàn tính mạng trước, trong khi ekip thứ hai truyền thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông cho người đàn ông.

Người đàn ông nhồi máu cơ tim nguy kịch giữ được mạng nhờ một cuộc gọi - 2

Sau chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, người đàn ông được điều trị khẩn cấp và qua cơn nguy kịch (Ảnh: LG).

Quá trình điều trị, bệnh nhân bị ngưng tim, phải sốc điện để "hồi sinh" trở lại. Nhờ đáp ứng với thuốc tiêu sợi huyết tốt, hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Theo bác sĩ Phát, người bệnh tim mạch, hút thuốc lá, tiểu đường, mỡ máu cao... là những yếu tố nguy cơ xảy ra tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Khi phát hiện bệnh, người dân càng vào viện sớm thì khả năng cứu sống càng cao.

Thống kê mỗi tháng, khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận khoảng 5 trường hợp nhồi máu cơ tim, đột quỵ não điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Bác sĩ cho biết, "thời gian vàng" để dùng tiêu sợi huyết hiệu quả nằm trong 3 giờ tính từ lúc khởi bệnh. Nếu đến trễ, bệnh nhân cần phẫu thuật đặt stent mạch vành, nhưng chi phí sẽ đội lên cao.