Người đàn ông ngừng tim, chảy máu ồ ạt sau cơn đau bụng bất thường
(Dân trí) - Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy tổn thương ổ bụng của bệnh nhân có hơn 3 lít máu, khối u gan trái bị vỡ đang chảy máu.
Ông N.V.X. (53 tuổi, Quảng Ninh) khi đang ở nhà bất ngờ đau bụng dữ dội, huyết áp tụt, được đưa vào bệnh viện tuyến dưới cấp cứu với chẩn đoán sốc mất máu do vỡ u gan và được chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy tổn thương ổ bụng có hơn 3 lít máu, khối u gan trái bị vỡ đang chảy máu. Trong mổ, tình trạng bệnh diễn biến nhanh, bệnh nhân bất ngờ ngừng tim, được các bác sĩ khẩn trương hồi sức tim phổi, truyền máu hoàn hồi kết hợp chèn gạc cầm máu vị trí u gan vỡ.
Ca mổ diễn biến xấu, tiên lượng nặng nề, tổn thương u khó đánh giá triệt để, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy bệnh nhân được cầm máu tạm thời, truyền bổ sung hơn 2 lít máu để hồi sức, kiểm soát ổn định tình trạng hô hấp và tuần hoàn, đồng thời nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh ngay trong đêm.
Tại đây, Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê phải thở máy, sốc mất máu do u gan vỡ, đã có ngừng tuần hoàn, rối loạn toan chuyển hóa, bởi vậy nguy cơ suy đa tạng và tử vong cao.
Cuộc hội chẩn nhanh giữa khoa Hồi sức tích cực, Ngoại khoa đánh giá bệnh nhân có thể trạng khá tốt, tổn thương gan đã tạm cầm máu, hậu quả của tổn thương não do ngừng tim chưa nặng nề, do vậy các bác sĩ quyết định tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu, bồi phụ đầy đủ các rối loạn chức năng gan thận…
Sau đó, các bác sĩ lên phương án phẫu thuật an toàn và xử trí tổn thương gan triệt để sau 48 giờ cho bệnh nhân.
BSCKII Hà Mạnh Hùng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: "Bệnh nhân X. vào khoa trong tình trạng đe dọa tử vong, cần được hồi sức tốt thì mới có thể tiếp tục thực hiện cuộc đại phẫu nặng nề. Với sự theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, phối hợp nhiều biện pháp hồi sức tích cực như: thở máy, lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch, kiểm soát huyết động… đã giúp bệnh nhân tiến triển tích cực".
Sau 3 ngày, bệnh nhân thoát sốc, giảm liều vận mạch, có phản xạ, lượng nước tiểu tăng, các xét nghiệm dần ổn định, không phải lọc máu, truyền máu. Khi tình trạng ổn định, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.
Trong ca mổ, phẫu thuật viên tiến hành mở bụng rộng tối đa, lấy gạc chèn trong ổ bụng, khéo léo cắt tổ chức khối u gan ở hạ phân thùy 3 và cầm máu kỹ càng. Sau thời gian "căng não", ca mổ diễn ra thành công. Bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục theo dõi điều trị. Sau mổ 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, các chỉ số ổn định.
Theo BS Hùng, u vỡ gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng là một cấp cứu rất khó khăn, nguy cơ tử vong cao nếu không cấp cứu kịp thời. Trường hợp bệnh nhân X. vào viện trong tình trạng sốc mất máu do vỡ u gan, diễn biến phức tạp do đã có ngừng tuần hoàn trong mổ. Vì vậy quan trọng nhất là bệnh nhân cần được hồi sức ổn định, sẵn sàng các phương án thì ca mổ mới có cơ hội thành công.
Đây là ca mổ khó do khối u gan lớn đã xâm lấn, đòi hỏi phẫu thuật viên phẫu tích cắt gan tỉ mỉ để hạn chế tối đa nguy cơ chảy máu khó cầm. Nhờ có sự phối điều trị linh hoạt, chặt chẽ giữa các chuyên khoa đã giúp bệnh nhân phục hồi tích cực, đưa họ vượt qua cơn "thập tử nhất sinh".