Người đàn ông lở loét nặng, suýt bị cắt cụt chi sau một tháng mắc Covid-19

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau một tháng khỏi Covid-19, người đàn ông phải cấp cứu trong tình trạng bàn chân lở loét, hoại tử nặng. Các bác sĩ khuyến cáo, SARS-CoV-2 có thể làm tăng gấp 5 lần nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.

Ngày 10/5, một bệnh viện tại TPHCM cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa can thiệp cấp cứu một bệnh nhân bị hoại tử chi nặng, tránh nguy cơ cắt cụt chân cho bệnh nhân.

Bệnh nhân là ông Đ.V.T. (64 tuổi, ngụ Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng bàn chân đã lở loét nặng. Ê-kíp điều trị đã nhanh chóng xử trí vết thương, chỉ định dùng thuốc kháng đông và phẫu thuật khẩn loại bỏ cục máu đông gây tắc mạch chi dưới, thông mạch máu bằng kỹ thuật bắc cầu.

Bác sĩ cũng sử dụng máy tạo áp lực âm để hút máu rồi thoát lưu, cắt bỏ phần cơ hoại tử cho bệnh nhân.

Người đàn ông lở loét nặng, suýt bị cắt cụt chi sau một tháng mắc Covid-19 - 1

Chân người đàn ông lở loét, hoại tử nặng sau 1 tháng nhiễm Covid-19 (Ảnh: BV cung cấp).

Khai thác bệnh sử, trước đó bệnh nhân mắc Covid-19 và đã điều trị khỏi bệnh gần 1 tháng. Tuy nhiên sau đó, ông T. thường có cảm giác nhức mỏi chân. Nghĩ do đau nhức xương khớp, ông chỉ dùng dầu xoa bóp hàng ngày. Đến khi chân sưng phù, bầm tím, đi lại khó khăn và có dấu hiệu lở loét, người nhà mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực của bệnh viện chia sẻ, bệnh nhân T. rất may mắn khi được cứu chữa kịp thời. Nếu chậm trễ hơn, chi dưới hoại tử nặng thì các bác sĩ buộc phải chọn phương án cắt cụt chân để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. "Chúng tôi cũng đã gặp không ít trường hợp phải đoạn chi do tắc mạch máu vì bệnh nhân không biết và đến lúc bác sĩ can thiệp thì đã muộn", bác sĩ Dũng cho biết.

Người đàn ông lở loét nặng, suýt bị cắt cụt chi sau một tháng mắc Covid-19 - 2

Bệnh nhân tầm soát bệnh lý tim mạch - mạch máu hậu Covid-19 bằng hệ thống CT hiện đại (Ảnh: BV cung cấp).

Theo bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây tắc mạch máu chi dưới, trong đó có tác động từ việc hình thành các cục máu đông. Đặc biệt, những người đã nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao hình thành cục máu đông nghiêm trọng từ 3 đến 6 tháng sau khi mắc bệnh.

Một nghiên cứu công bố vào tháng 4/2022 bởi các nhà khoa học Thụy Điển, Anh và Phần Lan dựa trên việc so sánh giữa 4 triệu người không mắc bệnh và hơn một triệu người từng nhiễm Covid-19 cho thấy, sau 3 tháng kể từ ngày thành F0, người nhiễm Covid-19 tăng 4% nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu ở đùi hoặc cẳng chân.

Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng gấp 5 lần nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, theo nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ).

Người đàn ông lở loét nặng, suýt bị cắt cụt chi sau một tháng mắc Covid-19 - 3

Bác sĩ khuyến cáo người từng mắc Covid-19 cần xây dựng lối sống khoa học, ngủ đủ giấc, tránh lo âu (Ảnh: BV cung cấp).

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, những người bệnh đang có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid… nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được khám, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Những người từng mắc Covid-19 cũng cần xây dựng lối sống khoa học, trong đó kết hợp giữa việc ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng và vận động, tập thể dục thể thao nhẹ nhàng hằng ngày.

Đồng thời, phải quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, ngủ đủ giấc, tránh lo âu và thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân.