1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người đàn ông ho ra máu sau khi ăn hồng xiêm vì thứ này

Minh Nhật

(Dân trí) - Khi có dị vật đường thở, bệnh nhân thường có triệu chứng như: Ho (ho dai dẳng kéo dài, ho ra máu), khó thở, khàn tiếng, mất tiếng, có những đợt sốt.

Bệnh nhân N.N.T., 40 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng khó thở, thỉnh thoảng xuất hiện ho ra máu. Các bác sĩ nhận thấy tiền sử người bệnh có hội chứng xâm nhập nên chỉ định nội soi khí quản, phế quản và phát hiện dị vật đường thở trong khí quản và phế quản gốc phải.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã hội chẩn và thực hiện kỹ thuật can thiệp lấy dị vật cho người bệnh. Dị vật được gắp ra là một hạt hồng xiêm to có kích thước 3x1,5cm.

Người đàn ông ho ra máu sau khi ăn hồng xiêm vì thứ này - 1

Hạt hồng xiêm được gắp ra từ phế quản của bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

TS.BS Đào Đình Thi - Trưởng khoa Nội soi, người trực tiếp thực hiện nội soi gắp dị vật cho biết: "Hạt hồng xiêm là một trong những dị vật đường thở khó lấy. Do hạt hồng xiêm có kích thước lớn và có gai sắc nhọn ở cạnh nên khi đưa qua thanh quản là vùng hẹp nhất của đường thở, dị vật bị mắc kẹt và gây ra kích thích làm co thắt khiến người bệnh khó thở.

Bên cạnh đó, hạt hồng xiêm có vỏ cứng, bề mặt nhẵn rất dễ bị trơn tuột khi lôi kéo, kèm gai nhọn có nguy cơ gây xước, tổn thương thanh, khí, phế quản. Các bác sĩ phải rất cẩn trọng, khéo léo sử dụng một loại dụng cụ đặc biệt tại bệnh viện để can thiệp lấy dị vật". 

Trong các tháng đầu năm, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu dị vật đường thở.

Cấp cứu dị vật đường thở là cấp cứu thường gặp trong chuyên khoa tai mũi họng, nếu không được chẩn đoán và xử trí nhanh chóng dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Nghiệm pháp Heimlich sơ cứu hóc dị vật đường thở (Nguồn video: Parkview).

Theo các bác sĩ, dị vật đường thở là những vật bị mắc lại trên đường thở của bệnh nhân từ thanh quản đến phế quản. Nguyên nhân có thể là do cười nói trong khi ăn, rối loạn phản xạ họng ở bệnh nhân bị hôn mê, gây mê hoặc khi không tỉnh táo, thói quen hay ngậm đồ trong lúc làm việc hoặc vui chơi…

Khi có dị vật đường thở, bệnh nhân thường có triệu chứng như: Ho (ho dai dẳng kéo dài, ho ra máu), khó thở, khàn tiếng, mất tiếng, có những đợt sốt.

Đặc biệt đối với trẻ dưới 3 tuổi, khả năng trao đổi thông tin, mô tả của trẻ với người lớn còn khó khăn. Nếu trong tầm mắt quan sát của người lớn, khi thấy trẻ bị hóc, sặc thì có thể xử trí kịp thời.

Trong trường hợp bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời thì việc lấy dị vật sẽ dễ dàng hơn, ít gây ra biến chứng. Nhưng nếu đến muộn, bệnh nhân đã xuất hiện phản ứng viêm phù nề tổ chức, nhiều biến chứng sẽ xảy ra, việc lấy dị vật khó hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

Theo BS Thi, để phòng tránh nguy cơ bị dị vật đường thở, mọi người nên chú ý, cẩn trọng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm, như đối với hồng xiêm nên cắt ngang và loại bỏ hết hạt trước khi ăn, loại bỏ xương trong thịt, cá cho trẻ nhỏ…

Khi ăn nên tập trung ăn chậm, nhai kỹ, không nên cười đùa, la hét. Các bậc phụ huynh hay bảo mẫu cần hết sức lưu ý kiểm soát khi trẻ cầm, chơi những đồ vật có kích thước nhỏ vì bé có thể vô tình nhét vào mũi hoặc nuốt.

Đối với những trường hợp dị vật là những vật sắc nhọn không nên tự ý nôn ra hoặc cố nuốt xuống vì có thể làm tổn thương thêm cho đường thở. Khi người bệnh gặp tình trạng dị vật đường thở, cần lập tức đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán và xử trí nhanh, đúng, đảm bảo tiên lượng sống cũng như hạn chế tối đa di chứng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm