Người đàn ông 31 tuổi bất ngờ bị liệt nửa người, nói khó
(Dân trí) - Bệnh nhân vào viện với triệu chứng liệt hoàn toàn nửa người phải nói khó, được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong trái. Trước đó, anh không phát hiện mắc các bệnh lý mạn tính.
Cảnh báo gia tăng đột quỵ ở người trẻ
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa cấp cứu bệnh nhân nam, 31 tuổi (Phú Thọ) bị đột quỵ do nhồi máu não.
Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ thăm khám và chỉ định chụp mạch não số hóa xóa nền, can thiệp mạch lấy huyết khối. Sau khoảng 20 phút can thiệp, ekip đã lấy ra 6 mảnh huyết khối kích thước 2x2mm, mạch máu não của người bệnh được tái thông hoàn toàn.
Sau can thiệp 1 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, vận động tay và chân phải có cải thiện, tiếp tục được theo dõi điều trị phục hồi chức năng và tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ, đồng thời có chiến lược theo dõi, điều trị dự phòng đột quỵ tái phát.
![Người đàn ông 31 tuổi bất ngờ bị liệt nửa người, nói khó - 1 Người đàn ông 31 tuổi bất ngờ bị liệt nửa người, nói khó - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/Cn09MaQpIVq0PQ11Yc_FqZBxuF8=/thumb_w/1020/2023/12/13/dohuyetap-1702453634521.jpg)
Nhiều người chỉ khi vào viện mới biết mình có bệnh lý nền như tăng huyết áp (Ảnh minh họa: N.P).
ThS.BS Hoàng Quốc Việt, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh - đột quỵ, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết, số lượng người bệnh đột quỵ nặng và trẻ hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Tại trung tâm, tỷ lệ người bệnh 18-45 tuổi đã tăng gấp đôi so với các năm trước.
Những yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ liên quan đến các bệnh lý miễn dịch, di truyền và đặc biệt do tác động của lối sống như sử dụng thuốc tránh thai, lạm dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, thừa cân béo phì, lười vận động, thức khuya, căng thẳng trong cuộc sống, công việc.
Đặc biệt, nhiều người nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên không khám sức khỏe định kỳ, chỉ tới khi đột quỵ vào viện mới phát hiện mình mắc các bệnh nền như huyết áp, tim mạch…
Người bị đột quỵ không được cấp cứu trong "giờ vàng" (4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng đột quỵ) thì cơ hội phục hồi rất khó khăn. Không ít người đã trở thành tàn phế, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, mất sức lao động.
Ai có nguy cơ bị đột quỵ?
![Người đàn ông 31 tuổi bất ngờ bị liệt nửa người, nói khó - 2 Người đàn ông 31 tuổi bất ngờ bị liệt nửa người, nói khó - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/EHIASbR-JfAq1fqBzgOxZPNicU0=/thumb_w/1020/2023/08/31/img1567-1693450091181.jpg)
Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ, một số người có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những người khác. Điều quan trọng là phải biết liệu bạn có thuộc nhóm nguy cơ cao hơn hay không để nhận thức sớm các dấu hiệu cảnh báo.
Bạn có thể không biết liệu mình có mạch máu yếu có thể bị vỡ hay không, nhưng các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác có thể được sàng lọc và kiểm soát.
Hầu hết các cơn đột quỵ xảy ra khi có cục máu đông hoặc tắc nghẽn trong các mạch máu cung cấp cho não. May mắn thay, bạn có thể kiểm soát nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ này.
Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm:
- Khó nói và hiểu những gì người khác nói: Người bị đột quỵ có thể bị lú lẫn, nói lắp hoặc không hiểu lời nói.
- Tê, yếu hoặc liệt ở mặt, cánh tay hoặc chân: Tình trạng này thường chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể. Người đó có thể cố gắng giơ cả hai tay lên trên đầu. Nếu một cánh tay bắt đầu rơi xuống, đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Ngoài ra, một bên miệng có thể xệ xuống khi cố gắng cười.
- Có vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt: Người đó có thể đột nhiên bị mờ hoặc thâm đen ở một hoặc cả hai mắt hoặc người đó có thể nhìn đôi.
- Đau đầu: Đau đầu dữ dội đột ngột có thể là triệu chứng của đột quỵ. Có thể xảy ra tình trạng nôn mửa, chóng mặt và thay đổi ý thức khi bị đau đầu.
- Khó đi lại: Người bị đột quỵ có thể vấp ngã hoặc mất thăng bằng hoặc mất phối hợp.