Người đàn ông 30 tuổi đã mắc ung thư tinh hoàn

Hà An

(Dân trí) - Sau một tháng bị sưng đau tinh hoàn phải, tự đắp thuốc nam không đỡ, bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán bị ung thư tinh hoàn. Anh trai bệnh nhân cũng từng bị ung thư tinh hoàn và đã mất vào năm 2012.

Bệnh nhân 30 tuổi vào viện vì sưng đau tinh hoàn phải. Từ khoảng một tháng nay, anh đã bị sưng đau tinh hoàn phải, sưng đau từng đợt… Ở nhà anh đã đắp thuốc nam nhưng không đỡ, tinh hoàn ngày càng sưng to.

Gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám. Kết quả cận lâm sàng cho thấy anh bị áp xe tinh hoàn phải, tinh hoàn phải sưng to kích thước 5x7cm cứng chắc, nắn đau.

Các bác sĩ đã giải phẫu bệnh sau chọc hút tinh hoàn phải và hội chẩn cùng các chuyên gia thống nhất chẩn đoán bệnh ung thư tinh hoàn phải. 

Bệnh nhân được chỉ định cắt tinh hoàn phải. Sau phẫu thuật, toàn trạng ổn định, bệnh nhân đã được ra viện và tiếp tục theo dõi thêm tại nhà.

Anh trai bệnh nhân cũng từng bị ung thư tinh hoàn (đã mất năm 2012).

Người đàn ông 30 tuổi đã mắc ung thư tinh hoàn - 1

(Ảnh minh họa: Istock).

Theo bác sĩ, các căn bệnh ung thư đều có nguy cơ di truyền, đặc biệt ung thư tinh hoàn có thể gặp ở nam giới mọi lứa tuổi. Những gia đình có tiền sử bệnh lý ung thư nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng ngừa kịp thời căn bệnh ung thư. 

Theo bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội), di truyền cũng là một trong những yếu tố được cảnh báo với ung thư tinh hoàn. Những người có cha hay anh em trai bị ung thư tinh hoàn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 

Nếu một bé trai có bố bị ung thư tinh hoàn thì đứa bé có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 4 lần so với em bé đồng trang lứa. Còn nếu anh em trai cùng một thế hệ bị bệnh thì tỷ lệ không may với em bé cao hơn gấp 8 lần.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư tinh hoàn không có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Nguy cơ lớn nhất và được coi là nguy cơ rõ rệt nhất là tình trạng tinh hoàn ẩn. Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu như bình thường, có thể định cư trong ổ bụng hay trên thành bụng. Đây là nguy cơ cần được lưu ý hàng đầu (với tỷ lệ ~ 2,5-14%). 

Tinh hoàn ở trong bụng thì nguy cơ mắc cao hơn 4 lần so với ở vị trí trên thành bụng. Do vậy, tất cả những bé trai mà có tinh hoàn ẩn, nên được phẫu thuật ngay để đưa tinh hoàn xuống bìu và cần phải theo dõi tối thiểu là 3-5 năm sau đó.

Triệu chứng bệnh ung thư tinh hoàn

Dấu hiệu hay gặp nhất và cũng là lý do đi khám bệnh nhiều nhất là bệnh nhân tự sờ thấy u tinh hoàn hoặc thấy một bên tinh hoàn to lên bất thường.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng sau:

- Đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới.

- Bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu.

- Có thể nổi hạch vùng bẹn.

- Có thể đau bụng (do di căn hạch ổ bụng chèn ép hoặc đau do ung thư tinh hoàn ẩn phát triển trong ổ bụng).

- Có thể sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… (do ung thư di căn). 

Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn thì chúng ta sẽ loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Trong đó, yếu tố chủng tộc, tiền sử gia đình, ung thư tinh hoàn là không thể thay đổi. Còn với yếu tố nguy cơ tinh hoàn ẩn, cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm tinh hoàn ẩn cho trẻ.

Với đàn ông, cần biết cách tự khám tinh hoàn cho mình để phát hiện tinh hoàn ẩn và thực hiện phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu tránh nguy cơ ung thư tinh hoàn.

Bên cạnh đó, cần có cuộc sống tình dục lành mạnh tránh lây nhiễm HIV. 

Ngoài ra, mọi người nên có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để nâng cao sức khỏe.