Người có tiền sử bệnh hô hấp có nguy cơ mắc cúm A/H5N1 cao

(Dân trí) - Tôi đọc báo thấy viết số bệnh nhân viêm đường hô hấp nhập viện tăng đột biến khi trời trở lạnh. Vậy nguy cơ mắc cúm A/H5N1 ở những người này có cao hơn không?

Tôi cũng muốn biết những người đã mắc các bệnh khác thì nguy cơ này thế nào và nên phòng bệnh ra sao? (Hùng Cường, Hà Nội)

 

PGS.TS Ngô Quý Châu, Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Bạch Mai trả lời: Những người có cơ địa thuận lợi khiến virus (kể cả virus cúm A/H5N1) dễ dàng xâm nhập cơ thể là những người có tiền sử về bệnh hô hấp, có sức đề kháng kém như bị bệnh tiểu đường, người phải sử dụng hóa chất trị ung thư, người cao tuổi hay trẻ suy dinh dưỡng... Và khi virus tấn công thì sẽ nhanh chóng làm tê liệt hệ thống miễn dịch, làm cho bệnh nặng và kéo dài hơn.

 

Nhiều người chủ quan, xem cúm là dạng bệnh nhẹ, tự ý cho con uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Họ không biết rằng, di chứng nặng nề nhất của cúm ở trẻ có thể gây mù, liệt, điếc, thậm chí dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

 

Khi bị viêm mũi, chất nhầy làm tắc mũi, trẻ phải thở bằng mồm, không khí vào khí quản sẽ không được sưởi ấm và lọc sạch nên trẻ rất dễ bị viêm phế quản, viêm phổi và bệnh nặng lên rất nhanh. Thời tiết lạnh, lại phải tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, bụi than, bụi bông... cũng là những yếu tố thuận lợi cho virus xâm nhập.

 

Với những người có cơ địa nhạy cảm với virus, nguy cơ tử vong cũng cao hơn khi nhiễm cúm A/H5N1. Những người mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, tiểu đường, bệnh gan hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch khác, nhất là ở trẻ em và người già trên 65 tuổi cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

 

Khi tiếp xúc với người bị cúm và khi đi trên đường phố bụi cần phải đeo khẩu trang. Phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng ngực, lòng bàn chân, cổ... Chú ý ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên, sử dụng các loại thuốc sát khuẩn mũi, họng và nên tiêm văcxin phòng cúm hằng năm.

 

Kiều Nga - Hồng Hải