Người bị đái tháo đường có ăn chuối được không? | Báo Dân trí

Người bị đái tháo đường có ăn chuối được không?

(Dân trí) - Chuối được coi là một trong những loại trái cây giàu dinh dưỡng, chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất cùng với protein và chất chống oxy hóa. Chúng là một nguồn carbonhydrat tốt cho sức khỏe và là bữa ăn vặt ngon miệng và giàu năng lượng.

Chuối chín có vị ngọt thường khiến người bệnh đái tháo đường phân vân không biết liệu nó có tốt cho sức khỏe của họ hay không. Để xóa bỏ nghi ngờ này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những lợi ích sức khỏe của chuối.

Người bị đái tháo đường có ăn chuối được không? - 1

Giá trị dinh dưỡng của chuối

1 quả chuối nhỏ (101g) chứa 89,9kcal năng lượng, 74,91g nước, 1,1g protein, 23,1g carbohydrat, 2,63g chất xơ, 5,05mg canxi, 27,3mg magiê, 0,26mg sắt, 362mg kali, 22,2mg phốt pho, 0,125mg kẽm, 1,01mcg selen, 20,2mcg folate cùng với vitamin A, E, K, B1, B2, B3 và B6.

Theo một nghiên cứu, chất xơ trong chuối xanh giúp giảm glycemia, từ đó ngăn ngừa hoặc điều trị đái tháo đường (loại 2). Nó cũng giúp quản lý các bệnh về đường tiêu hóa, giúp kiểm soát cân nặng, xử lý các biến chứng về thận và gan, và ngăn ngừa các bệnh tim mạch và nhiều bệnh mãn tính khác. Ngoài ra, chuối có chỉ số GI thấp giúp ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột ngột sau khi ăn.

Khi ăn carbohydrat, nó sẽ chuyển thành glucose nhờ insulin do tụy sản sinh ra, từ đó chuyển thành năng lượng. Ở bệnh nhân tiểu đường, do kháng insulin, nồng độ glucose tăng đột biến do cơ thể mất chuyển đường thành năng lượng. Đó là lý do tại sao bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế carbohydrate để kiểm soát tình trạng này. Như vậy có thể thấy rõ không phải chuối là nguyên nhân làm tăng hoặc giảm glucose trong cơ thể, mà là tổng lượng carbohydrate.

Nếu người bệnh đái tháo đường mỗi ngày ăn một quả chuối nhỏ chứa 23,1g carbohydrat, họ có thể kiểm soát lượng calo của mình bằng cách tránh các thực phẩm giàu carbohydrat khác. Bằng cách này, người bệnh đái tháo đường cũng sẽ có thể nhận được lợi ích dinh dưỡng của chuối. Như đã biết, carbohydrat rất quan trọng để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể, vì vậy không thể loại bỏ nó hoàn toàn ra khỏi chế độ ăn. Chuối được coi là an toàn cho bệnh nhân đái tháo đường miễn là được ăn với lượng hạn chế căn cứ vào tình trạng sức khỏe.

Chuối an toàn cho người bị đái tháo đường vì những lý do sau:

Chất xơ: Chất xơ trong chuối làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrat của cơ thể, từ đó làm chậm quá trình tiêu hóa. Điều này ngăn chặn sự gia tăng đột ngột của glucose trong máu, từ đó kiểm soát tình trạng bệnh đái tháo đường.

Tinh bột trơ: Lượng tinh bột trơ tốt trong chuối xanh giúp cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát sự gia tăng glucose sau bữa ăn. Đây là một loại tinh bột giúp cải thiện tình trạng đường huyết trong cơ thể và không dễ bị phân hủy, do đó ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến.

Vitamin B6: Bệnh thần kinh đái tháo đường là tình trạng dây thần kinh bị tổn thương do đường huyết cao. Loại bệnh đái tháo đường này có thể dẫn đến thiếu vitamin B6. Vì chuối chứa vitamin B6, nó có hiệu quả đối với bệnh thần kinh đái tháo đường.

Cách ăn chuối nếu bị đái tháo đường. Nên ăn chuối còn ương hơn là chuối chín hẳn vì chuối ương có chỉ số đường huyết thấp.

Chọn một quả chuối nhỏ để hạn chế hàm lượng carbohydrate. Ngay cả khi bạn ăn một quả chuối cỡ trung bình, hãy chọn chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp như quả mọng và bưởi và thực phẩm không có hoặc ít carbohydrat như trứng và cá. Nếu thích chuối, hãy ăn vài lát nhiều lần một ngày. Thậm chí có thể rắc quế lên chuối lát và ăn. Trong trường hợp bạn ăn chuối để tráng miệng, hãy quản lý lượng calo bằng cách ăn ít hơn trong bữa ăn tiếp theo. Tránh các sản phẩm chuối bán sẵn như chuối sấy giòn.

Cẩm Tú

Theo Boldsky