Người bệnh ung thư có được sử dụng đường?

Bệnh viện K Trung ương

(Dân trí) - Người bệnh ung thư có nên kiêng các thực phẩm chứa đường hay không, sản phẩm nào chứa đường nên sử dụng và thực phẩm nào nên hạn chế?

Glucid/ Carbohydrate hay được gọi là các chất bột đường gồm các loại lương thực (staple), đường (sugars) và chất xơ (fiber). Căn cứ vào số phân tử đường người ta phân glucid thành 3 loại đường chính gồm: đường đơn (có 1 phân tử đường), đường oligo (2-10 phân tử đường), đường đa phân tử (>10 phân tử).

Đường đơn: 3 loại phổ biến gồm: glucose, fructose, galactose. Trong đó, glucose là đường được hấp thu trực tiếp vào máu bởi vậy chỉ số đường huyết tăng nhanh và cao sau khi sử dụng. Đại diện cho nhóm này là 1 số hoa quả chín hoặc có trong rau. Nhóm fructose có nhiều trong 1 số hoa quả (táo, lê,…) hoặc mật ong, hấp thu chậm hơn so với glucose, do vậy nên khả năng tăng đường huyết chậm hơn so với glucose. Về galactose, có thể gặp trong các chế phẩm sữa.

Người bệnh ung thư có được sử dụng đường? - 1

Đường oligo (2-10 phân tử): Nổi bật nhất là nhóm đường đôi với 3 chất phổ biến là sucrose (saccharose), lactose, maltose. Trong đó, sucrose có nhiều trong củ cải đường, hoặc đường mía. Lactose trong sữa. Maltose có trong ngũ cốc (lúa mạch, thóc nảy mầm).

Ngoài ra, 3 nhóm khác cũng cần quan tâm của đường oligo là FOS (fructo-oligosaccarid- thực vật: tỏi tây), GOS (Galacto-oligosaccarid- đậu nành), MOS (Manna- Oligosaccarid- Hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn đường tiêu hóa.

Đường đa phân tử: chủ yếu là tinh bột, chất xơ và không bị tan trong nước.

Người bệnh ung thư có được sử dụng đường? 

Đường là chất dinh dưỡng cần cho mọi tế bào trong cơ thể. Nhu cầu năng lượng của cơ thể chủ yếu lấy từ nhóm đường bột (60-70%) do vậy để duy trì sự sống của cơ thể thì người bệnh vẫn cần sử dụng đường bột trong chế độ ăn uống. Việc sử dụng đường không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh lý ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng vượt quá nhu cầu đường thì dẫn đến tăng nguy cơ thừa cân béo phì (nguy cơ này tăng lên 1,55 lần).  Và thừa cân béo phì mới là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng 2-4 lần tỷ lệ các bệnh ung thư.

Vậy có cần loại bỏ đường khỏi khẩu phần ăn hàng ngày? 

Câu trả lời là không. Chúng ta chỉ không tiêu thụ quá nhu cầu đường cần cho cơ thể, kết hợp thêm tập thể dục để giảm nguy cơ thừa cân béo phì, từ đó giảm nguy cơ ung thư.

Vậy nên hạn chế sử dụng loại đường nào? 

Theo một số nghiên cứu thống kê phân tích thì việc sử dụng đường nhân tạo (thường là đường đơn, đường đôi- đường có nhiều trong nước uống có gas, nước ngọt- thường là HFCS) và nước ép trái cây 100% có liên quan đến bệnh lý ung thư. Một nghiên cứu ở Pháp trên hơn 100,000 người, đã chỉ ra việc sử dụng quá nhiều loại đồ uống này làm gia tăng 1,18 lần ung thư chung, 1,22 lần ung thư vú. 

Tuy nhiên, chưa có một khẳng định nào rằng nhóm đường này là nguyên nhân trực tiếp của bệnh ung thư. Do vậy khuyến cáo cho đến thời điểm hiện tại là hạn chế sử dụng chứ không phải cấm sử dụng các nhóm đường này.

Một vài nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra việc sử dụng nhiều lượng đường fructose và sucrose làm gia tăng kích thước khối u vú và sự di căn của khối u vú trên nhóm chuột qua thụ thể 12-LOX và 12-Her trong ung thư vú. Tuy nhiên chưa có thử nghiệm trên người, và chưa có một khuyến cáo nào về việc cấm dùng loại đường này trong chế độ ăn uống.

Như vậy, việc sử dụng đường cần được hiểu rõ và chính xác trong thực hành dinh dưỡng. Vẫn cần đảm bảo đủ nhu cầu đường (tinh bột, chất xơ, FOS, GOS, …) trong khẩu phần ăn uống để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và thực hiện 1 số chức năng của cơ thể, đồng thời cần tránh và hạn chế sử dụng những nhóm đường có nguy cơ làm gia tăng cân nặng, nguy cơ béo phì. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm