1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người bệnh không có BHYT “thức tỉnh” vì viện phí tăng

(Dân trí) - Ngày đầu áp dụng giá viện phí mới, hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện vẫn diễn ra bình thường. Nhiều người bệnh tâm sự, chính nhờ việc có người thân ốm phải nằm viện, rồi khi đi khám bệnh thấy dịch vụ khám BHYT tốt hơn nhiều đã “thức tỉnh” để họ mua BHYT.

Đã chuẩn bị kỹ càng

Ngày 1/3, ngày đầu tiên áp dụng giá viện phí mới tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Ghi nhận tại một số bệnh viện (BV) tuyến cuối ở Hà Nội như Bạch Mai, Việt Đức, Nội tiết Trung ương… cho thấy hầu hết người bệnh đã được tuyên truyền, không bất ngờ vì viện phí tăng.

Bảng giá viện phí cũ áp dụng cho bệnh nhân không có thẻ BHYT...
Bảng giá viện phí cũ áp dụng cho bệnh nhân không có thẻ BHYT...
Và bảng giá viện phí mới điều chỉnh áp dụng cho người bệnh có BHYT được đặt song song tại BV Bạch Mai để người bệnh tiện theo dõi.
Và bảng giá viện phí mới điều chỉnh áp dụng cho người bệnh có BHYT được đặt song song tại BV Bạch Mai để người bệnh tiện theo dõi.

Ngồi chờ kết quả tại khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai), bác Vũ Thị Nhưng (64 tuổi, Đình Lập, Lạng Sơn) cho biết, bác tái khám ung thư tuyến giáp. Bác đi khám từ sáng ngày 29/2, phải ngủ trọ một đêm ở phòng trọ gần bệnh viện mất 50 nghìn để hôm nay làm nốt các xét nghiệm cần thiết.

Theo bác Nhưng, thủ tục khám chữa bệnh đã nhanh hơn rất nhiều, nhưng lượng bệnh nhân đông quá, nên bác vẫn mong muốn có sự cải tiến hơn để thuận lợi cho người bệnh.

Như trước kia khi tái khám ung bướu, bác được nộp BHYT ngay tại khoa để khám, thì nay thủ tục nộp BHYT đều ở khoa Khám bệnh, sau đó xong xuôi mới lên khoa xếp số tiếp.

Nói về tăng viện phí, bác Nhưng không lo ngại bởi BHYT hưu trí của bác được thanh toán đến 95%. “Tôi là tôi lo cho người chưa có BHYT và nhóm chi trả 20%. Nhất là người không có BHYT sẽ rất khổ. Thấy nói viện phí tăng đến 30%. Chưa kể bệnh nhân ung thư như chúng tôi mà không có BHYT thì sao theo đuổi điều trị được”, bác Nhưng lo lắng bày tỏ.

Bác Nhưng cho biết thêm, toàn bộ chi phí điều trị ung thư tuyến giáp của bác được BHYT chi trả, chỉ phải đồng chi trả 5%. Ngoài ra mỗi tháng, bác Nhưng phải mua thêm thuốc ở ngoài hết 100 nghìn đồng.

Tại các BV đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng nên khâu khám bệnh, thanh toán giữa bệnh nhân BHYT, bệnh nhân không BHYT, bệnh nhân khám theo yêu cầu dù có các mức giá khác nhau nhưng thanh toán đều thuận lợi.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Khoa Khám bệnh, bảng giá viện phí mới với giá chi tiết của gần 1.900 dịch vụ được niêm yết công khai cùng với bảng giá viện phí hiện hành (gần 900 dịch vụ) đang được thực hiện với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT. Phần mềm quản lý giá viện phí đã được cập nhật tương thích với danh mục viện phí mới Bộ Y tế ban hành nên BV triển khai không có gì vướng mắc.

Bà Nguyễn Thị Bích Bà Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, để thực hiện Thông tư 37, tăng viện phí từ ngày 1/3, BV Việt Đức đã có sự chuẩn bị kỹ càng.

Theo bà Hường, trước đây chỉ chia các dịch vụ theo nhóm bệnh, nhóm kỹ thuật nên bảng giá là dưới 1.000 dịch vụ tương được 1.000 loại giá. Còn hiện nay Bộ Y tế đã chia nhỏ các dịch vụ ra theo từng kỹ thuật khác nhau nên có tới 1.887 dịch vụ. Trong khi đó, giá viện phí mới chỉ áp dụng bệnh nhân có BHYT, giá cũ áp cho người không có BHYT, rồi giá khám yêu cầu; rồi phân loại bệnh nhân nhập viện trước hay sau 1/3… Vì thế, phần mềm thông tin đã sẵn sàng nhưng vẫn được tập huấn kỹ cho cán bộ để hạn chế sai sót.

Mất tiền triệu, vội vàng mua bảo hiểm

9h sáng tại khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai), anh Bùi Mạnh Tuấn (Phú Thọ) đang cùng vợ ngồi chờ kết quả tái khám ung thư máu. 6 tháng trước, lần đầu vào BV Bạch Mai phải nhập viện chờ chẩn đoán bệnh, điều trị trong vòng 16 ngày, gia đình anh phải nộp 23 triệu đồng vì không có BHYT.

Anh Tuấn thấy yên tâm hơn vì đợt điều trị này của vợ có BHYT, dù giá viện phí có điều chỉnh tăng.
Anh Tuấn thấy yên tâm hơn vì đợt điều trị này của vợ có BHYT, dù giá viện phí có điều chỉnh tăng.

“Hoảng quá, nộp 23 triệu trong cho 16 ngày điều trị. Thời gian vợ nằm viện cả nhà liêu xiêu vì vay chỗ nọ, mượn chỗ kia để đóng viện phí. Thấy giường bên cạnh có bệnh nhân ung thư máu như vợ mình, cả đợt truyền phải thanh toán có gần 6 triệu, hỏi ra họ có BHYT. Lúc này mới giật mình, thấm thía. Cả 3 đứa con đi làm đều có BHYT, mỗi hai vợ chồng không ai mua. Lúc ấy, dù viện phí khó khăn là thế cũng phải ưu tiên hơn triệu mua BHYT cho cả hai vợ chồng. Đợt này tái khám có phải nhập viện, giá viện phí thấy nói có tăng nhưng thú thực, tâm lý gia đình ổn hơn rất nhiều vì đã có BHYT”, anh Tuấn nói.

Đưa bố đi khám ung thư không có BHYT ở BV Bạch Mai, chị Nguyễn Thị Quỳnh (Tân Mai, Hà Nội) cho biết, vì bố chị mới có thẻ BHYT, hơn nữa lại ở một bệnh viện tuyến thành phố không chuyên ung bướu nên chị không yên tâm, đưa bố đi khám vượt tuyến.

Đây là khám thôi, chứ khi vào điều trị chắc phải chuyển BHYT cho cụ, không chi phí điều trị khó gánh.

Chị Quỳnh cũng cho biết, trước đây nghĩ đến khám BHYT là chị sợ, sợ đông, sợ thái độ của y bác sĩ. Nhưng bản thân chị 2 lần gần đây đi khám BHYT về răng hàm mặt và đau tức ngực thì rất bất ngờ bởi khám BHYT giờ nhanh hơn, thái độ cư xử của cán bộ y tế rất đúng mực. Đến mức, chồng chị vốn là người bảo thủ luôn không tin BHYT mà giờ thấy bố bị bệnh, chi phí điều trị đội lên cũng đã mua BHYT tự nguyện. “Bỏ tiền ra mua không may có bệnh còn đỡ lo. Mà may mắn không phải dùng đến thì cũng coi như làm từ thiện. Vì từ sáng ngồi đây, hỏi những người xung quanh có bệnh nhân chi phí cả chục triệu đồng mỗi tháng. Nếu không có những người khỏe mạnh như mình đóng BHYT thì lấy đâu tiền chi trả. Ngay giờ người thân của mình cũng đang chuẩn bị được nhờ nguồn quỹ ấy”, chị Quỳnh nói.

Theo bà Hường, việc điều chỉnh giá viện phí là một sự chuyển biến tích cực trong ngành y tế. Bởi giá tăng nhưng về thực chất người bệnh sẽ được lợi. Trước hết là người bệnh được coi trọng, đặt đúng vị trí là người trả tiền cho các dịch vụ, bệnh viện là người phục vụ. Đồng thời, chất lượng khám chữa bệnh tăng. Đặc biệt giá viện phí tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí, người bệnh có BHYT được chi trả những chi phí ấy sẽ không phải bỏ tiền túi chi thêm.

Theo lộ trình, từ 1/3 giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh với mức tăng bình quân khoảng 30% và từ ngày 1/7/2016 tăng khoảng 50% so với giá hiện nay. Việc tăng giá này theo tính toán không tác động đến khoảng 77% dân số có BHYT vì mức tăng này được quỹ BHYT gánh chi trả, người bệnh chỉ thực hiện đồng chi trả theo quy định.

Bài và ảnh: Hồng Hải