1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tăng viện phí, người bệnh sẽ chi trả như thế nào?

(Dân trí) - Trong nửa đầu năm nay sẽ có 2 đợt điều chỉnh giá 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế với mức tăng bình quân khoảng 30% từ ngày 1/3 và 50% từ ngày 01/7 so với giá hiện nay. Mức giá này sẽ rất có lợi cho người có thẻ BHYT và chưa áp dụng cho người chưa có thẻ BHYT.

Giá tăng nhưng giảm chi tiền túi

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, mức giá thực hiện từ 1/3 được tính chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Còn từ 1/7/2016 sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế. Mức giá viện phí điều chỉnh trước mắt chỉ áp dụng thanh toán BHYT nên 25% dân số không có thẻ BHYT chưa bị ảnh hưởng.

Còn với khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng vì thẻ BHYT được cấp miễn phí và được BHYT thanh toán 100% khi khám chữa bệnh.

Với người cận nghèo, mức độ tác động không nhiều vì khi đi khám chữa bệnh họ cũng được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí, chưa kể ngân sách nhà nước hỗ trợ tới 70% mệnh giá thẻ BHYT.

Còn lại, nhóm phải đồng chi trả 20% (mua BHYT tự nguyện), có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều vì viện phí được tính đủ, sẽ không phải trả thêm phần chênh lệch.

Ví dụ, với giá khám bệnh theo yêu cầu của bệnh viện (hạng I) đang quy định là 50.000 đồng thì ngoài phần đồng chi trả theo quy định, người bệnh sẽ chỉ còn nộp 11.000 từ ngày 1/7 thay vì 30.000 đồng như trước đây.

Hay giá dịch vụ chụp CT Scanner 64 dãy bao gồm cả thuốc cản quang, cả khấu hao là 2.500.000 đồng thì ngoài phần đồng chi trả theo quy định, phần nộp chênh lệch 800.000 sẽ giảm xuống 333.000 đồng từ ngày 1/2 và chỉ còn 234.000 đồng từ 1/7 đối với người có thẻ BHYT do mức giá quy định của cơ quan chức năng điều chỉnh theo hướng mới.

Mặt khác từ 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở khi số tiền đồng chi trả trong năm vượt mức lương đó.


Bệnh nhân sẽ giảm chi tiêu tiền túi do giá dịch vụ được tính về giá trị thực. Chi phí tăng lên hầu hết được BHYT gánh vác. Ảnh minh họa: H.Hải

Bệnh nhân sẽ giảm chi tiêu tiền túi do giá dịch vụ được tính về giá trị thực. Chi phí tăng lên hầu hết được BHYT gánh vác. Ảnh minh họa: H.Hải

Chưa điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa theo yêu cầu

Với việc điều chỉnh giá này, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tạm thời không được điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, giá của các dịch vụ kỹ thuật trên các máy xã hội hóa. Các cơ sở cũng phải công khai phần chênh lệch giữa 2 loại giá: do BHYT chi trả và các máy xã hội hóa; thực hiện giảm phần chênh lệch phải nộp đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, việc ban hành Thông tư này là nằm trong lộ trình từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT do các bệnh viện sẽ không được thu hay yêu cầu người bệnh tự mua một số loại vật tư, hóa chất, thuốc mà trước đây chưa tính vào giá.

Việc tính tiền lương, phụ cấp vào giá sẽ thay đổi tư duy của cán bộ y tế khi chính BHYT và người bệnh là người trả lương cho mình. Nếu không nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, bệnh viện phục vụ tốt, chất lượng tốt thì bệnh nhân không đến KCB, không có nguồn tài chính để chi trả tiền lương và hoạt động.

Hơn nữa, có chi phí để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa, máy tính, các bộ dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa, bàn, ghế, giường, tủ, mua chăn ga gối đệm, phát triển, triển khai các kỹ thuật mới… thì sẽ nâng cao được chất lượng điều trị.

Theo ông Nam Liên, mức giá khám bệnh tăng lên 39.000 đồng hay chụp CT Scnaner 64 dãy tăng lên 2.134.000 từ 1/3 này khi áp dụng cho người không có thẻ BHYT (vào thời điểm muộn hơn nữa) thì họ sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi so với người có BHYT.

Bởi với mức đóng BHYT cao nhất là 621.000 đồng/người/năm và được giảm ít nhất từ 30% trở lên với người thứ 2,3... trong gia đình khi mua BHYT theo hộ gia đình, nếu một đợt điều trị ung thư là khoảng 50 triệu đồng, hay 7-8 triệu đồng/tháng với chạy thận nhân tạo thì với nhóm phải đồng chi trả 20% cũng đã được BHYT gánh đến 40 triệu hay 5-6 triệu/tháng.

Như vậy, một số tiền vài trăm nghìn đồng trong 12 tháng sẽ giúp mọi người gánh được rủi ro nếu không may bệnh trọng.

Hồng Hải