1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Người 30 năm chữa rắn cắn cứu người

(Dân trí) - Gần 30 năm làm nghề bắt rắn, đã từng đối diện với cái chết, ông Đỗ Văn Toàn (ở thôn Hoà Khê, xã Bạch Hạ, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) là người hiểu hơn ai hết mức độ nguy hiểm của người khi bị rắn độc cắn. Và ông tình nguyện chữa bệnh miễn phí, cứu sống nhiều người...

Chị Phương, người huyện Duy Tiên, trong một lần đi nhổ cỏ ở ruộng lúa bị rắn cắn vào bắp chân. Người nhà đưa chị đến bệnh viện nhưng người ta lắc đầu từ chối. Bệnh viện không có thuốc chữa, hơn nữa chị bị rắn mang hoa - một loài rắn cực độc cắn, chất độc đã ngấm sâu, tính mạng của chị khó mà giữ... Đang trong lúc hoang mang cực độ, thì có người giới thiệu cho gia đình chị đến nhà ông Toàn, xã bên. Khi đến nhà ông Toàn, chân chị đen bầm như bị cháy điện, sưng to như phích nước. Hai mắt của chị bị giãn đồng tử, hàm cứng, lưỡi cứng, chị không mấp máy được nửa lời.

 

Thấy người bệnh đang ở giai đoạn nguy ngập, ông Toàn vội cho người nhà sắc thuốc, cả đêm ông vừa trực vừa cho chị uống thuốc, đắp lá. Sáng hôm sau, sức khoẻ của chị Phương đã khá hơn. Mọi người lúc này mới thở phào, chị đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

 

Đúng 1 tháng 10 ngày chị Phương cùng người nhà sống ở nhà ông Toàn để tiện cho việc chữa bệnh. Sức khoẻ chị đã phục hồi, chồng con chị Phương mừng rơi nước mắt, cảm tạ tấm lòng cứu chữa của ông. Ngoài chi phí ăn ở của chị và người nhà, ông Toàn không lấy thêm một đồng nào mặc cho người nhà bệnh nhân nài ép. Ông nói, chữa bệnh là việc nên làm, ông chỉ cố hết sức khả năng của mình để giúp người khác mà thôi. Ơn ông cứu sống, ngày lễ, tết gia đình chị Phương qua lại thăm hỏi thân tình như anh em trong nhà.

 

Không riêng mình chị Phương, mà nhiều người khác như: anh Cường, người Phú Xuyên - Hà Tây; anh Viên người xã Châu Giang - Duy Tiên; bà Hỡi, thôn Nhì - Duy Tiên; bà Nôm - Hà Tây... bị rắn độc cắn đều nhờ đến ông Toàn chữa trị. Người bị thương nặng hay nhẹ, ông đều tận tình cứu chữa với mong muốn cứu một người là một việc phúc đức.

 

Nhà nghèo, hai vợ chồng ông Toàn và hai người con nuôi (do di chứng chất độc màu da cam đã khiến vợ chồng ông không thể sinh con) chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Ở trong Ban chấp hành hội nông dân, giữ chức chi hội trưởng Hội nông dân của thôn, ông lại càng bận rộn. Người dân Bạch Hạ vẫn trông theo bóng dáng chiếc xe đạp “tồng tộc” của ông với ánh mắt, vui vẻ, cảm mến.

 

Hàn Nguyệt