1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngực silicon trở lại!

Ngày 17/11/2006, chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ một lệnh cấm được áp dụng từ năm 1992, cho phép dùng silicon lỏng để ghép ngực nhân tạo. Sự kiện này được đánh giá là một thời khắc lịch sử vì nó mang lại nhiều lựa chọn cho phụ nữ.

Chưa tìm thấy tác dụng phụ

 

Ngực nhân tạo bằng silicon lỏng (dạng gel) lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ năm 1962. Mãi đến 30 năm sau, sản phẩm này mới bị cấm vì xuất hiện nhiều vụ kiện cáo của bệnh nhân cho rằng chất silicon trong ngực nhân tạo có thể liên quan đến những căn bệnh như ung thư, lupus (một dạng bệnh về da).

 

Nhiều phụ nữ sau khi ghép ngực bằng silicon đã bị sưng, tê cứng và nhiều triệu chứng khác mà họ đổ lỗi cho silicon. Thời điểm đó, có lời đồn đại rằng dung dịch silicon có thể rò rỉ và “di cư” khắp nơi trong cơ thể, tạo ra những khối u silicon.

 

Nhiều nhà nghiên cứu cũng lo ngại rằng platin dùng cho sản xuất các mô cấy ghép có thể  thấm vào cơ thể và gây nguy hiểm cho sức khỏe.

 

Tuy nhiên, sau 14 năm “bế quan tỏa cảng” để điều tra, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào xác định mối liên hệ giữa việc ghép ngực giả bằng silicon với những căn bệnh trên.

 

Theo FDA, ngực ghép không thể tồn tại suốt cả đời người. Thỉnh thoảng, chúng được lấy ra hoặc để thay thế sản phẩm khác ngay khi phát hiện có vấn đề không bình thường (gọi là ghép gián đoạn). Một báo cáo hồi năm 2000 của Viện Nghiên cứu y khoa cho biết tỷ lệ ghép gián đoạn ngực nhân tạo lên đến 77%.

Vẫn còn hạn chế

 

Theo Hiệp hội các nhà phẫu thuật tạo hình, năm ngoái ở Mỹ có đến 291.000 phụ nữ đã phẫu thuật ghép ngực (không dùng silicon) để làm đẹp, tăng 37% so với năm 2000.

 

Tuy nhiên, người ta vẫn chuộng ngực nhân tạo bằng silicon vì trông... tự nhiên hơn ngực làm bằng dung dịch muối (loại này được ghép thoải mái, không bị hạn chế nào).

 

Theo quy định mới của FDA, phẫu thuật ghép ngực sẽ được thực hiện cho tất cả phụ nữ, không giới hạn độ tuổi, đã bị cắt bỏ ngực sau khi điều trị bệnh (thường là bệnh nhân ung thư vú).

 

Tuy nhiên, việc ghép silicon để cải thiện bộ ngực chỉ phục vụ cho đối tượng 22 tuổi trở lên, vì ngực của phụ nữ dưới 22 tuổi vẫn còn phát triển. Ngoài ra, FDA còn yêu cầu các bác sĩ phẫu thuật phải thông báo nghiêm chỉnh cho bệnh nhân biết, sau khi ghép, họ có thể sẽ phải trải qua ít nhất 1 cuộc phẫu thuật nữa vì ngực giả không thể tồn tại mãi. Đây là việc làm cần thiết để tránh các vụ kiện tụng về sau.

 

Hai công ty đầu tiên được phép ghép ngực silicon là Inamed Aesthetics (hiện là một phần của Công ty Allergan) và Mentor, đều ở bang California. Hai công ty này cũng đã cam kết với FDA sẽ bắt đầu các cuộc nghiên cứu mới kéo dài nhiều thập niên về sự an toàn của các thiết bị ghép trong cơ thể 40.000 phụ nữ.

 

Theo Hạnh Chi

Sài Gòn giải phóng/USAToday, CNN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm