Ngừa ung thư đại trực tràng: Thực phẩm nên và không nên ăn

Hà An

(Dân trí) - Ung thư đại trực tràng là căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt là ở nhóm dân số già. Một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với ung thư đại trực tràng là chế độ ăn uống.

Ung thư đại trực tràng là một loại ung thư ảnh hưởng đến trực tràng, ruột kết hoặc cả hai của một người. Đây còn được gọi là ruột già.

Loại ung thư này có nhiều khả năng xuất hiện ở những người lớn tuổi, nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ khác liên quan đến sự xuất hiện của nó, chẳng hạn như các yếu tố di truyền và lối sống. Trong đó, một trong những yếu tố nguy cơ được trích dẫn nhiều nhất là chế độ ăn uống - đề cập cụ thể đến thói quen ăn không tốt thường dẫn đến béo phì.

Dưới đây, chúng ta xem xét những loại thực phẩm nào được cho là làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và những loại nào được cho là hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư.

Những thực phẩm cần tránh

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn quá nhiều thịt đỏ có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Thịt đỏ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là "tất cả các loại thịt của động vật có vú, bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt cừu, ngựa và dê".

Ngừa ung thư đại trực tràng: Thực phẩm nên và không nên ăn - 1

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ thịt đỏ có thể liên quan trực tiếp đến tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng hoặc gián tiếp vì chế độ ăn nhiều thịt có xu hướng ít rau, trái cây và chất xơ.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng việc tăng 100 gam tất cả các loại thịt hoặc thịt đỏ mỗi ngày có liên quan đến việc tăng đáng kể 12-17% nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Vào năm 2015, một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã đưa ra thông tin này khi chỉ ra rằng cứ 50 gam thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt xông khói hoặc xúc xích, ăn mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng của một người lên 18%. Bằng chứng này đã khiến WHO phân loại thịt chế biến là "chất gây ung thư cho người".

Những thực phẩm nên ăn

Vì vậy, nếu ăn nhiều thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn góp phần vào nguy cơ ung thư đại trực tràng, thì nên ăn gì để bảo vệ cơ thể khỏi kết cục này?

Theo các chuyên gia, một chế độ ăn nhiều trái cây, rau và chất xơ có thể giúp giảm thiểu nguy cơ và nhiều nghiên cứu hiện có dường như ủng hộ lời khuyên này.

Ngừa ung thư đại trực tràng: Thực phẩm nên và không nên ăn - 2

Ăn nhiều rau, hoạt động thể lực thường xuyên... giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Một nghiên cứu từ Đại học Loma Linda ở California, Mỹ cho thấy rằng chế độ ăn chay có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu bốn loại chế độ ăn uống dựa trên thực vật như: thuần chay hoặc hoàn toàn không có sản phẩm có nguồn gốc động vật; chế độ ăn chay lacto-ovo, bao gồm sữa và trứng nhưng không có thịt; chế độ ăn chay pescovegetarian, bao gồm cá nhưng không có thịt; chế độ ăn chay bán phần, không thường xuyên bao gồm thịt và cá.

Tất cả bốn chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật này được coi là ít có nguy cơ dẫn đến ung thư hơn so với chế độ ăn không ăn chay.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng bữa ăn của bạn càng nhiều màu sắc càng tốt và các cá nhân nên tập trung vào việc tích hợp một loạt các loại trái cây và rau quả vào chế độ ăn của họ.

Gần đây, các nhà nghiên cứu cũng đã phân lập được một số yếu tố điển hình của chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có thể giúp ngăn ngừa sự khởi phát của ung thư đại trực tràng. Những người có ít nguy cơ phát triển tình trạng này ăn nhiều trái cây, rau, quả hạch và ngũ cốc, cũng như cá và thịt gia cầm, thay vì thịt đỏ, và họ uống ít rượu và nước ngọt.