Dấu hiệu ung thư đại trực tràng dễ nhầm với bệnh đường tiêu hóa

Tú Anh

(Dân trí) - Bệnh nhân ung thư đại trực tràng thường xuất hiện các dấu hiệu ban đầu như rối loạn tiêu hóa, táo bón, đi ngoài ra máu...rất dễ nhầm lẫn với bệnh đường tiêu hóa thông thường.

TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Bệnh viện K cho biết, dấu hiệu ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý đường tiêu hóa khác, do đó phần lớn bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở nước ta được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu là giai đoạn 3-4 nên điều trị gặp nhiều hạn chế; nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới trên 90%.

Dấu hiệu ung thư đại trực tràng dễ nhầm với bệnh đường tiêu hóa - 1

Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hóa khác. Tuy nhiên khi có những triệu chứng sau, cần đặc biệt lưu ý đến ung thư đại trực tràng:

- Rối loạn tiêu hóa: Ban đầu có thể là ợ chua, sau là đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn.

- Táo bón: Nếu đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần nên chú ý theo dõi.

- Đi ngoài phân nhỏ, phân dẹt: Có nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.

- Đi ngoài ra máu: Đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên do khối u trong lòng ruột gây chảy máu.

- Giảm cân bất thường, mệt mỏi: Hầu hết các trường hợp mắc ung thư đều có dấu hiệu giảm cân nhanh và nhiều trong thời gian ngắn dù không ăn kiêng hay tập luyện gì gắng sức.

Tại bệnh viện K, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng. Các ca bệnh đều xuất hiện những dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn sang bệnh lý tiêu hóa khác. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán, điều trị.

"Rất nhiều người nghĩ mình táo bón, rồi trĩ, bệnh lý nứt hậu môn... khi đi ngoài ra máu, bởi các bệnh lý này cũng có thể gây các biểu hiện tương tự. Vì vậy, không nên chủ quan khi có dấu hiệu tiêu hóa nào kéo dài", PGS Bình khuyến cáo.

Việc khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.

Vì thế, ngoài 40 tuổi bạn nên đi khám tầm soát ung thư đại trực tràng nhằm phát hiện sớm, điều trị bệnh nếu có.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm