Ngủ quá nhiều, hại bao nhiêu?

(Dân trí) - Lảo đảo và choáng váng, kém tỉnh táo và không thể tập trung vào công việc? Phải chăng bạn ngủ không đủ? Không. Thực ra đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn ngủ quá nhiều.

Ngủ quá nhiều có thể khiến cơ thể gặp những vấn đề như bệnh tuyến giáp và trầm cảm.


 

Ngủ quá nhiều có thể khiến cơ thể gặp những vấn đề như bệnh tuyến giáp và trầm cảm.

 

Buộc tội: Thừa ngủ tai hại như thiếu ngủ

 

Chúng ta ai cũng đã từng nghe nói về tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi đầy đủ, mặc dù phần lớn chúng ta nghỉ ngơi không hề đầy đủ. Tất tật mọi thứ từ béo phì tới bệnh tim mạch và hệ miễn dịch suy yếu đều có thể đổ tại cho thiếu ngủ. Trung bình mỗi người mất 33% cuộc đời dành cho việc ngủ.

 

Vậy bao nhiêu thì là quá nhiều? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ ngủ thêm 2%, và điều gì xảy ra nếu bạn “nướng” thêm 7% nữa? Thừa ngủ có hại cho sức khỏe như thiếu ngủ không và nếu có thì tại sao?

 

Phán quyết: Ngủ quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe

 

Thời gian ngủ cần thiết của một người tùy thuộc vào tuổi tác và mức độ hoạt động cũng như sức khỏe và thói quen sống của người đó.

 

Mặc dù thời gian ngủ trung bình được khuyến nghị là 7 đến 9 tiếng mỗi ngày, song vào một số giai đoạn trong đời bạn cần ngủ nhiều hơn.

 

Theo Russell Sanna, Phó trưởng khoa Y học Giấc ngủ Trường Y Harvard thì con người ta cần ngủ nhiều hơn bình thường khi mới ốm dậy, sau mổ đại phẫu hoặc khi thay đổi  cơ bản về múi giờ.

 

Tuy nhiên, chỉ vì bạn có thể ngủ được 12 tiếng mỗi ngày không có nghĩa là bạn nên làm như vậy. Tình trạng lảo đảo choáng váng do ngủ quá nhiều được gọi là “say ngủ”, giống như say rượu. Đôi khi ngủ nhiều hơn mức bình thường không đưa đến nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nếu bạn thường xuyên ngủ quá nhiều và đi lại loạng choạng không vững thì bạn cần đi khám bác sĩ

 

Giấc ngủ quá dài vào ban ngày hoặc ban đêm có liên quan với một rối loạn gọi là chứng ngủ rũ. Thay vì chỉ cảm thấy mệt mỏi đơn thuần, những người bị chứng ngủ rũ thường gà gật suốt ngày, đặc biệt là vào những thời điểm chẳng mấy thích hợp (như khi đang làm việc hoặc thậm chí là đang họp).

 

Những người bị chứng ngủ rũ không cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn sau khi ngủ và thường thức giấc với cảm giác mất định hướng. Các triệu chứng gồm lo âu, bồn chồn, chán ăn và những vấn đề về trí nhớ, cũng như rối loạn chức năng trong môi trường xã hội. Nguyên nhân đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra là hậu quả của “một rối loạn giấc ngủ khác… rối loạn chức năng hệ thần kinh tự động… lạm dụng thuốc hoặc rượu… hoặc tổn thương hệ thần kinh trung ương." Nguyên nhân cũng có thể do sử dụng, hoặc cai một số thuốc.

 

Ngủ quá nhiều có liên quan với bệnh tuyến giáp, bệnh thận và bệnh gan, trầm cảm và sa sút trí tuệ. Nhưng đừng nghĩ bạn có thể mắc những bệnh này chỉ trong nháy mắt và cũng đừng tự tin rằng bạn sẽ chẳng làm sao vì luôn dậy trước buổi trưa. Những người ngủ quá nhiều và quá ít đều có tỷ lệ tử vong cao hơn. Vì thế hãy đặt chuông báo thức để đừng bị “khét lẹt” vì ngủ “nướng”

 

Cẩm Tú

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm