Bệnh nhân bệnh viện Bạch Mai:

Ngỡ ngàng vì không được BHYT thanh toán vượt tuyến

(Dân trí) - Sáng 5/1, nhiều người khi đến khám tại BV Bạch Mai ngỡ ngàng khi biết quy định mới được thực hiện từ 1/1/2015, người bệnh có thẻ BHYT khám vượt tuyến ngoại trú sẽ không được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.

Các bảng điện tử đều hiển thị thông tin quy định mới về BHYT. Ảnh: T.A

Các bảng điện tử đều hiển thị thông tin quy định mới về BHYT. Ảnh: T.A

Sáng 5/1, sau đợt nghỉ lễ dài, các bệnh viện chính thức áp dụng quy định của Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015. Tại BV Bạch Mai, lượng bệnh nhân đổ về đầu giờ sáng rất đông đúc.

Bác Trần Thị Lý (70 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội) phát hiện tăng huyết áp, tiểu đường từ 3 năm nay giờ đang tái khám thường xuyên tại BV Bạch Mai. Trước đây bác khám, điều trị tại nơi KCB ban đầu dùng thuốc bị phù nên rất mệt. Khi lên Bạch Mai khám thấy hợp thầy, hợp thuốc, huyết áp, tiểu đường đều được kiểm soát nên từ đó bác Lý đều khám trái tuyến tại BV Bạch Mai, được thanh toán 30% chi phí khám chữa bệnh, thuốc bảo hiểm y tế.

Sáng 5/1 khi đến viện tái khám, bác vẫn trình thẻ BHYT thì được nhân viên y tế giải thích, từ nay khám ngoại trú trái tuyến sẽ không được quỹ BHYT. “Tôi đóng hết 30 nghìn tiền khám, số tiền cũng không quá nhiều. Sau đợt này, tôi sẽ về nơi KCB ban đầu xin giấy chuyển tuyến khám bệnh. Nếu họ chấp nhận thì sẽ được lợi, nhưng trong trường hợp không được thì tôi cũng chấp nhận bỏ tiền túi ra khám vượt tuyến. Bởi gần 3 năm nay tôi tái khám tại BV Bạch Mai, thuốc dùng hàng tháng không hết quá nhiều tiền mà tình trạng bệnh được kiểm soát nên không muốn thay đổi nơi khám bệnh”, bác Lý nói.

Hai mẹ con bệnh nhân Đinh Thu Hiền từ Hải Dương lên cũng bất ngờ khi thẻ BHYT khám trái tuyến không được chấp nhận. “Đến đây khám tôi mới biết người ta cắt hết, không cho quyền lợi gì. Tôi đi khám hô hấp, con tôi lần này đi khám do đau lưỡi. Tôi vẫn thường xuyên khám hô hấp tại BV Bạch Mai, mọi khi, chi phí hết 1 triệu đồng/ lần thì cũng đươc thanh toán 300.000 đồng, bây giờ không có gì, mà cũng không được biết quyền lợi đã bị cắt giảm khi khám, điều trị ngoại trú”, chị Đinh Thu Hiền cho biết.

Mắc bệnh gan, men gan tăng, gan nhiễm mỡ nên bác P.T.L (52 tuổi) cứ 3 tháng lại phải đi khám, xét nghiệm lại một lần. Bác khám tại BM cũng là trái tuyến vì nhà neo người, không có điều kiện ra nơi đăng kí KCB ban đầu xin chuyển tuyến, mà “chắc xin người ta cũng chẳng cho” như lời bác nói. Mọi lần bác được BHYT chi trả 30% chi phí, lần này, bác phải bỏ toàn bộ tiền khám, tiền xét nghiệm, tiền thuốc với chi phí gần 1 triệu đồng.

“Quyền lợi bị cắt giảm như này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng chi trả. Tôi sẽ vẫn khám ở đây, nhưng đang tính giãn thời gian tái khám là 6 tháng cho đỡ chi phí”, bác L cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai giải thích 

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai giải thích về quy định thanh toán mới của quỹ BHYT cho bệnh nhân. Ảnh: T.A

Sáng cùng ngày ban lãnh đạo BV Bạch Mai cũng chủ động đi giám sát việc thực hiện quy định của Luật BHYT sửa đổi. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền Phó Giám đốc BV Bạch Mai, do đã lường trước được sự bỡ ngỡ của người bệnh khi thực hiện quy định mới về bảo hiểm nên trước đó BV đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các bác sĩ, nhân viên y tế; in các tờ hướng dẫn chi tiết về mức thanh toán, về những quy định mới. 

Trên thực tế, các bảng điện tử của khoa Khám bệnh cũng hiện thông báo về quy định mới này, nhưng đa phần người bệnh vẫn chưa nắm được thông tin mà phải nghe giải thích trực tiếp từ nhân viên y tế.

Vì là quy định mới đưa vào thực hiện chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ, BV Bạch Mai lập hẳn một tổ công tác kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi, với mục tiêu kịp thời giải đáp những thắc mắc của người bệnh, làm sao đảm bảo quyền lợi tốt nhất của người dân khi đi KCB.

Hồng Hải