Ngộ độc thuốc gia truyền chữa nhiệt miệng

Vừa qua, bệnh viện Nhi Trung ương liên tiếp tiếp nhận những ca cấp cứu nghi sốt cao, viêm não cấp. Sau khi chẩn đoán các bác sĩ xác định ngộ độc các loại thuốc gia truyền chữa cam, loét miệng. Hầu hết bệnh nhi đều dưới 1 tuổi.

Đau mồm là bôi

 

Ngộ độc thuốc gia truyền chữa nhiệt miệng - 1

Bệnh nhi Phạm Anh M. đang điều trị tại khoa thần kinh (bệnh viện Nhi Trung ương). Ảnh: Lệ Hà

 

Đang điều trị tại khoa thần kinh, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi Phạm Anh M., sáu tháng tuổi, ở tỉnh Phú Thọ được xác định ngộ độc thuốc cam chữa nhiệt miệng. Bệnh nhi M. nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, co giật, thiếu máu, ho ra dịch vàng 4 – 5 lần/ngày. “Với những biểu hiện này, trước đây các bác sĩ thường nghi sốt cao hoặc viêm não cấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây sau khi có thông tin về thuốc cam gia truyền chữa nhiệt miệng gây ngộ độc bệnh viện đã xác định các cháu bị ngộ độc chì trong thuốc cam. Các xét nghiệm của bệnh nhi M. cho thấy, chỉ số men gan cao, định lượng chỉ cao 251 microgam/100ml (người bình thường là dưới 20microgam/100ml)”, BS Phạm Thị Vân Anh, khoa thần kinh, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

 

Đúng như dự đoán của các bác sĩ, mẹ bệnh nhi cho biết, cháu bị loét miệng, gia đình đã mua thuốc cam gia truyền ở gần nhà bôi cho bé từ lúc mới sinh tới nay. Mỗi khi bé nhiệt miệng, tưa lưỡi bôi ba lần/ngày trong vài ngày. Thuốc có màu vàng đất, giá 10.000 đồng/gói.

 

Tại khoa thần kinh hiện còn ba bệnh nhân đang điều trị chứng bệnh tương tự. Bệnh nhi Đỗ Thị Phương A., mới năm tháng tuổi ở Hải Dương nhưng xét nghiệm cũng có bệnh tình tương tự bệnh nhi M. Mẹ của bé cũng cho biết, khi bé Phương A. bị tưa lưỡi đã mua thuốc cam bán ở chợ. Thuốc này được quảng cáo là thuốc gia truyền và cả làng dùng bấy lâu nay. Nhà nào có trẻ nhiệt miệng, tưa lưỡi là mua về dùng với giá rất rẻ chỉ 5.000 – 10.000 đồng/gói. Thuốc có màu ghi xám. Bé Phương A. đã được bôi vài lần và đều đỡ nhưng thời gian gần đây bé có biểu hiện nôn, chớ, có giật gia đình đưa đi khám và phát hiện bị ngộ độc chì.

 

Lo ngại từ thuốc gia truyền

 

Cũng theo BS Phạm Thị Vân Anh, trung bình mỗi năm khoa tiếp nhận trên dưới mười ca ngộ độc chì từ thuốc cam gia truyền. Trước đây, khi chưa xác định được nguyên nhân bệnh nhi được chẩn đoán thiếu máu và được truyền máu nhưng đã có 1 – 2 ca tử vong. Hiện các ca được xác định ngộ độc chì chúng tôi đều lấy thuốc các cháu dùng gửi sang viện Hóa học (viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) phân tích. Kết quả cho thấy, nhiều mẫu thuốc hàm lượng chì chiếm tới 10%. Chì nhiễm độc rất cao, thậm chí mẹ của bệnh nhi cũng nhiễm do bôi thuốc cho con. Mẹ của bệnh nhi Phương A., kết quả xét nghiệm thấy lượng chì cao gấp ba lần cho phép.

 

Hầu hết bệnh nhân được xác định nhiễm chì từ thuốc cam đều được điều trị bằng thuốc thải chì sau một thời gian sẽ ổn định. “Tuy nhiên, có trường hợp nhiễm nặng ảnh hưởng tới não cần phải theo dõi, điều trị lâu dài”, BS Vân Anh cho biết.

 

TS Vũ Đức Lợi, trưởng phòng hoá phân tích, viện Hóa học (viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) tỏ ra bức xúc trước tình trạng trên: thời gian gần đây các mẫu bệnh phẩm thuốc cam được các cơ sở điều trị gửi xác định hàm lượng chì ngày càng đông. Các loại thuốc này từ nhiều cơ sở sản xuất khác nhau nhưng không có nhãn mác. Đều là thuốc gia truyền mua tại chợ quê, trong làng xã. Từ đầu tháng 11 tới nay chúng tôi đã phân tích 15 mẫu bệnh phẩm được gửi đến nhiều viện ở Hà Nội thì 14 mẫu có chứa hàm lượng chì từ 12,5 – 22%.

 

“Bệnh nhân ở các tỉnh khác nhau như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hoà Bình… Thuốc dùng mỗi nơi có một màu khác nhau nhưng đều dùng để chữa nhiệt miệng, tưa lưỡi. Các gia đình có trẻ nhỏ khi thấy con bị đau mồm không cho đi khám mà sử dụng các thuốc này nên ngày càng nhiều trẻ bị ngộ độc”, BS Vân Anh nói.

 

Điều các bác sĩ lo ngại là trẻ mắc tay chân miệng mà người lớn không biết lạm dụng thuốc này sẽ nguy hiểm cho sức khoẻ các cháu.

 

Theo  Lệ Hà

 Sài Gòn tiếp thị