Ngộ độc nấm rừng

(Dân trí) - Dường như cứ đến hẹn lại lên, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, các ca ngộ độc nấm lại liên tục xảy ra với nhiều người dân tộc khu vực miền núi phía bắc. Đáng nói là những vụ ngộ độc nấm đều để lại hậu quả rất nặng nề, có gia đình không còn ai sống sót.

Bát canh nấm tử thần

 

Mới đây, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 4 bệnh nhân dân tộc Dao ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang trong tình trạng nguy kịch do ăn phải nấm độc. Vụ việc xảy ra ngày 30/3, khi cả gia đình 7 người cùng ăn canh nấu từ nấm.

 

Theo lời kể của gia đình người bệnh, sáng ngày 30/3, khi đi ra con suối gần nhà, thấy mấy cây nấm mới mọc mập mạp, non mướt, một người trong gia đình đã hái về nấu canh.  Đến khoảng 10h sáng, bát canh ngon lành được bưng lên, cả nhà đều ăn ngon miệng không có dấu hiệu lạ. Nhưng đến khoảng 7h tối, cả 7 người trong gia đình đều bắt đầu nôn và đi ngoài liên tục. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng 3/7 người đã tử vong.

 

Các bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm chống độc đều đang trong tình trạng suy yếu chức năng gan, men gan tăng rất cao và có rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi.

 

Theo Giáo sư Nguyễn Thị Dụ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các ca ngộ độc nấm thường ở trong tình trạng rất nặng. Điều đáng nói là các ca này có tỷ lệ tử vong rất cao và thường xảy ra cho cả gia đình. Đáng nói là với người dân tộc, nấm rừng là một món ăn rất phổ biến. Nhất là trong thời điểm từ tháng 3 - 4 âm là mùa có rất nhiều nấm. Trên thực tế, có nhiều loại nấm rừng rất ngon, quý, nhưng rất khó có thể phân biệt đâu là nấm độc, nấm thường bằng cảm quan. Do vậy, những ca ngộ độc nấm thương tâm vẫn xảy ra rất nhiều vào mùa xuân, nhất là ở các tỉnh miên núi phía Bắc.

 

Theo BS Dụ, có thể các bệnh nhân này ăn phải loại nấm có tên là nấm độc xanh đen (tên khoa học là Amanita Phalloides).  Đây là một loại nấm gây ngộ độc chậm, thường sau 6 tiếng khi ăn mới gây ngộ độc. Tuy nhiên, các loại nấm gây ngộ độc chậm thường gây ngộ độc nặng với các biểu hiện đau bụng, nôn, ỉa chảy rất nhiều, sau hai ngày có thể dẫn đến suy gan, suy thận… Càng để lâu, độc tố của nấm ngấm vào máu điều trị càng khó khăn, tốn kém và thời gian điều trị kéo dài. 

 

Đề phòng ngộ độc nấm

 

Để phòng ngộ độc nấm, BS Dụ khuyên, không nên ăn các loại nấm lạ, mọc hoang, không rõ nguồn gốc. Trước khi ăn nên thử trước, cho chó, mèo ăn, sau khoảng gần 10 tiếng mà không thấy con vật có biểu hiện gì mới nên ăn.

 

Khi đã lỡ ăn loại nấm lạ mà nghi ngờ là nấm độc, cần gây nôn càng sớm càng tốt và cho uống than hoạt tính để giảm nguy cơ ngộ độc. Nếu không có than hoạt tính có thể thay bằng đậu xanh giã nát hoặc nước ngô non…sau đó chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu rửa dạ dày và dùng các thuốc giải độc.

 

Hồng Sam