1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghiện game cũng như... nghiện ma túy

Không còn biết mình là ai, đi tiểu không kiểm soát, vô cảm với mọi thứ xung quanh… Đây là hậu quả của tình trạng trẻ bị nghiện game.

Một sáng như thường lệ, võ sư Lê Hoàng Mai, Trưởng bộ môn Aikido quận Tân Bình, nhận được cuộc điện thoại của một người phụ nữ lớn tuổi ở miền Tây. Bà cho hay bà biết võ sư Mai khi tình cờ xem chương trình truyền hình về các hoạt động mở lớp võ tự vệ và tổ chức sinh hoạt CLB, tạo sân chơi lành mạnh cho những trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt.

Mặc tã cả ngày lẫn đêm

Người phụ nữ nhờ võ sư Mai cứu lấy cháu bà đang sống ở TP.HCM, do nghiện game mà bỏ bê học tập. Tình hình ngày càng tồi tệ khi bảy tháng nay, dù không tha thiết game nữa nhưng em lại thích ngồi bất động hằng giờ, đi tiểu không kiểm soát . Chính vì thế, gia đình đã mặc bỉm cho em cả ngày lẫn đêm. Bà mời võ sư Mai đến nhà để mục sở thị. Ngay sau đó, đến nhà cậu bé, võ sư Mai vô cùng bất ngờ khi quan sát cậu bé có thể ngồi bất động hằng giờ với một tư thế thu mình, đầu cúi xuống buồn bã. Cậu bé không hề để ý đến ai xung quanh, được hỏi chuyện cậu không hề phản ứng. Cậu bé có dấu hiệu suy kiệt khi tay chân xanh xao, nổi gân và xương, mắt lờ đờ trắng dã. Đặc biệt hơn, khi vực cậu bé đứng dậy đi một đoạn, cậu bé không chịu làm theo và cứ thế đứng tư thế tay buông thõng, đầu cúi xuống hơn 15 phút.

Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, võ sư Mai được biết hai vợ chồng làm công chức nhà nước, công việc bận rộn lại hay phải đi công tác xa, không có nhiều thời gian gần gũi con. Không ai khác, chính võ sư Mai cũng từng bị cuốn theo game dẫn đến bỏ học khi còn rất sớm. Theo võ sư Mai, để giúp đỡ trẻ trở lại cuộc sống bình thường thì cần có môi trường sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thể chất, tăng cường sức khỏe giúp trẻ quên đi game và rất cần có sự phối hợp của gia đình. Trong trường hợp này, võ sư Mai đã yêu cầu gia đình đưa cậu bé đến CLB mỗi ngày để giúp rèn luyện thể chất và tương tác với bạn bè, môi trường xung quanh. Hiện tại, cậu bé đã có thể đọc được tên mình và dần muốn tương tác với các bạn.

Nghiện game cũng như... nghiện ma túy - Ảnh 1.

Thiếu niên 16 tuổi nghiện game thu mình, ngồi bất động cả ngày ở nhà. Ảnh: VSM

Nghiện game cũng như... nghiện ma túy - Ảnh 2.

Khi vực dậy, cậu có thể đứng bất động hơn 15 phút. Ảnh: VSM

Tay bóp cò tấn công cha mẹ

Cách đây ba tháng, BS Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh và trị liệu tâm lý, giám định viên pháp y tâm thần, nhận được cuộc gọi cầu cứu của cha mẹ cậu học sinh 12 tuổi sống ở TP.HCM. Khi cha mẹ cậu thiếu niên này vừa mở cửa phòng ra, BS Khuyên bất ngờ bị cậu bé lấy ấm uống nước chọi ra bày tỏ không muốn tiếp xúc bất cứ ai.

Cha mẹ cậu học sinh kể lại cách đây một năm, do sợ con ra đường vui chơi với bạn bè nên sắm cho con một dàn máy vi tính nối mạng trong phòng riêng để giữ chân con ở nhà. Từ khi có dàn máy vi tính, từ chơi một, hai tiếng mỗi ngày, em nâng cấp chơi thâu đêm suốt sáng. Có những ngày nghỉ cậu bé vùi đầu vào game, ăn uống qua loa tại chỗ, mệt quá thì gục ngủ trên bàn. Có những sáng khi cha mẹ gọi dậy đi học thì cậu bé lừ đừ, ngáp ngắn ngáp dài, mắt quầng thâm. Ở trường, em thường xuyên bị thầy cô giáo phiền lòng và báo về nhà vì hay ngủ gục trong lớp.

Tình trạng này cứ kéo dài, cậu bé không còn muốn ra khỏi phòng, không muốn tiếp xúc với ai và phải nghỉ học. Đặc biệt, em hay cười nói, lảm nhảm không rõ và nhìn ra khoảng không mông lung, trong đầu luôn văng vẳng tiếng nói, tiếng nhạc trong game. Khi cha mẹ vào phòng, có khi em còn lấy tay như bóp cò súng bắn, tấn công đối phương như thể cha mẹ là nhân vật trong game. Do đó, cha mẹ cậu bé đã cắt nối mạng để em không chơi game nữa. Không ngờ cậu bé lại đập phá và gào thét. Không biết phải làm sao, cha mẹ đã cho cậu chơi lại và tìm đến bác sĩ tâm thần.

BS Khuyên nhận định cậu bé đã đến giai đoạn bị loạn thần, rối loạn tư duy không biết đúng sai, xuất hiện tình trạng ảo giác có ảo thanh do căng thẳng quá mức, rối loạn giấc ngủ kéo dài. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có khả năng rơi vào trầm cảm và đưa đến hành động dại dột như tự sát. Khi loạn thần, trẻ dễ bị hoang tưởng, thậm chí gây nguy hiểm, tấn công người khác.

Theo BS Khuyên, trường hợp cậu bé hiện khó cải thiện vì cha mẹ quá chiều con. Thay vì cách ly con ra khỏi môi trường game, sinh hoạt lành mạnh cho đầu óc thư giãn thì cha mẹ vẫn cho con tiếp tục chơi game, chỉ trừ những lúc con uống thuốc thì mệt quá nên thiếp đi.

BS Khuyên cho rằng trong thế giới ảo, trẻ có thể thành siêu anh hùng thích bắn ai, giết ai cũng được, đến khi quay về đời sống thật thì hụt hẫng, trầm cảm, chán nản nên trẻ thường muốn quay trở lại game để lấy lại hưng phấn. Đối với các trường hợp trẻ nghiện game cần phải có môi trường lành mạnh cho trẻ sinh hoạt, vận động để trẻ dần quên thế giới ảo.

Ba đặc điểm xác định chứng nghiện game

Mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định chứng rối loạn chơi game hay còn gọi là nghiện game là một chứng rối loạn tâm thần. Theo đó, có ba đặc điểm để xác định chứng nghiện game: Không kiểm soát được bản thân, coi trọng việc chơi game hơn tất cả việc khác trong cuộc sống, giảm khả năng giao tiếp.

Những triệu chứng nhằm xác định rối loạn tâm thần cũng như các hành vi liên quan đến nghiện game sẽ được theo dõi trong khoảng thời gian ít nhất một năm mới có thể đưa ra kết luận. Nhưng nếu một người có đầy đủ các dấu hiệu thì việc chẩn đoán có thể được thực hiện trong thời gian ngắn hơn.

Cần đưa con đi thăm khám kịp thời

Cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu trẻ nghiện game như thường lầm lì, cáu gắt, chống đối, học hành sa sút, sinh hoạt trở nên bất thường, thức khuya, ngủ dậy không nổi, ngủ gục, ít tắm rửa... để đưa con đi thăm khám kịp thời.


Theo Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM