Nghiện đường: Ngộ độc đồ ngọt!

(Dân trí) - Theo FDA, trong thế kỷ 19, người Mỹ sử dụng khoảng 2,5 ký đường mỗi năm, bằng lượng đường họ tiêu thụ hiện nay trong nửa tháng. Đặc biệt, trẻ em Mỹ tiêu thụ lượng đường ngọt gấp cả 20 lần trước đây.

Vì dùng nhiều đồ ngọt, những hệ lụy y tế đã xảy ra, trong đó có chứng nghiện đường hay ngộ độc đồ ngọt.

Nghiện đường: Ngộ độc đồ ngọt! - 1
Tổng quan về chất bột đường

Bột đường, đường, carbohydrate, carbs, glucide, là nhóm chất hữu cơ trong công thức hóa học có ba nguyên tố Carbon, Hydro và Oxy (C, H, O).

Theo công thức hóa học có 3 loại carbs là đơn đường (monosaccharide), nhị đường (disaccharide), và đa đường (polysaccharide). Ba đơn đường quan trọng là glucose và hai đồng phân của nó là fructose và galactose. Ba nhị đường quan trọng là saccharose (sucrose) là kết hợp glucose-fructose, có nhiều trong mía, maltose là kết hợp glucose-glucose, có nước malt, mầm lúa, và lactose là kết hợp glucose-galactose, có trong sữa động vật. Hai đa đường quan trọng là tinh bột (starch) có trong ngũ cốc, củ, hạt; và glycogen có trong gan và bắp cơ động vật.

Về phương diện ẩm thực, dinh dưỡng có 2 nhóm là đường ngọt (sugary carbohydrate) vì vị ngọt, và đường bột (starchy carbohydrate) vì dẫn xuất từ tinh bột mà ra. Hai đường ngọt phổ biến là đường mía saccharose (sucrose) và siro ngô giàu fructose (high fructose corn syrup, HFCS).

Chứng nghiện đường

Nghiện đường, ngộ độc đồ ngọt (sugarholic, sugar addiction, sweet poison) là tình trạng thèm muốn, chỉ thỏa mãn khi được ăn thực phẩm có đường ngọt, chủ yếu là saccharose (sucrose, table sugar), đến mức như bị ghiền, nghiện chất ma túy, thiếu đường cơ thể sẽ vật vã, phản ứng...

Nghiện đường: Ngộ độc đồ ngọt! - 2

Có hai loại nghiện đường là nghiện cảm tính và nghiện hóa học. Nghiện cảm tính là cảm giác, tâm lý thích đồ ngọt, đơn thuần do để ý, suy nghĩ đến nó; và nghiện hóa học là do những hóa chất dạng thuốc phiện (opiod) tạo ra trong não bộ sau khi ăn đường khiến cơ thể “thoải mái”, dễ chịu, thèm và đòi hỏi dùng đường ngọt thêm.

Theo phân tích khoa học, chu kỳ nghiện đường diễn tiến qua 4 giai đoạn: (1) ăn nhiều đường ngọt vì thấy ham thích; (2) đường ngọt vào máu khiến nồng độ glucose tăng lên, glucose tăng kích thích hệ thần kinh trung ương (não bộ) chế tiết chất dopamine có tác dụng như thuốc phiện (opoid effects) gây cảm giác thoải mái; (3) nồng độ glucose máu tăng lên đồng thời kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin, hormone này sẽ huy động glucose thừa vào kho dự trữ chất béo khiến nồng độ glucose giảm xuống; (4) nồng độ glucose máu giảm lại kích thích trung khu thèm ăn, nhu cầu sử dụng đường tăng lên và chu kỳ kế tiếp lại bắt đầu.

Nghiện đường: Ngộ độc đồ ngọt! - 3

Tóm lại, đường ngọt kích thích vùng não ăn ngon, trung khu “phần thưởng” giải phóng dopamine khiến con người cảm khoái. Thức ăn càng nhiều đường, càng ngọt, dopamine giải phóng càng nhiều, và cũng giống như các loại ma túy, thuốc gây nghiện khác, theo thời gian, não càng cần nhiều đường hơn và chứng nghiện đường càng ngày càng trầm trọng.

Tác hại của nghiện đường

Nghiện đường, mê đồ ngọt, thực chất là nghiện fructose, loại đơn đường cho vị ngọt đặc biệt có trong trái cây, nước mía, rất hợp khẩu vị con người. Và tai họa phát sinh do cách chuyển hóa khác biệt của đường fructose.

Khác với glucose, tất cả fructose ăn vào đều trực tiếp tới và chuyển hóa ở gan. Tại đây, fructose chủ yếu chuyển hóa theo hướng tăng sinh chất béo: TG và VLDL với những hệ lụy có hại cho gan và sức khỏe, nên nhiều nhà dinh dưỡng gán cho fructose là chất độc cho gan (hepatotoxin), qua các bước: (1) Tăng TG và tăng LDL, (2) Béo phì và kháng insulin, (3) Tăng huyết áp, (4) Tăng nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh gan, gút, viêm khớp và thậm chí cả ung thư.

Nghiện đường: Ngộ độc đồ ngọt! - 4

Theo GS.TS Kathleen A. Page, ĐH South California, Mỹ, fructose vừa làm giảm tiết leptin, hóc-môn báo hiệu “ăn no”, vừa không ức chế ghrelin, hóc-môn “đói”, hệ quả là vẫn tiếp tục ăn và càng thừa năng lượng hơn.

Làm sao “cai” chứng nghiện đường

Trong các hướng dẫn dinh dưỡng, bốn cách thức, bước thực hiện, chính sau đây thường được giới thiệu: (1) Ngưng hẳn đường ngọt tinh chế và giảm thức ăn ngọt. Lưu ý, nên thay dần các món ăn ít đường ngọt khác nhau cho thực đơn hơn là cứng nhắc dùng món không có chút đường nào, để cơ thể dần thích nghi với chế độ ăn mới; Tỷ như, dùng quế và kem thay đường khi pha trà hay cà phê; (2) Cân bằng chế độ ăn: Đảm bảo chế độ ăn toàn diện: đủ bốn thành phần của ô vuông thức ăn, và cân đối số lượng; (3) Cân bằng tâm lý, cảm xúc, stress. Đặc biệt, với các dạng nghiện đường “cảm tính”; và (4) Tập thể dục đều đặn và thiết kế giấc ngủ an bình.

Đôi điều bàn luận

Năm 1972, với nhận định là chỉ ăn chất béo, dầu mỡ, mới gây béo phì tăng cholesterol máu và không nhận ra tác hại ghê gớm của đường ngọt fructose, Tổng thống Richard Nixon, cùng với Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đưa siro bắp giàu fructose (high fructose corn syrup, HFCS) làm đường ngọt trong các thực phẩm chế biến đặc biệt các loại nước giải khát, với kỳ vọng một công ba việc là giảm giá thành, giảm béo phì và giảm bệnh tim mạch. Kết quả, Hoa Kỳ nhiều người béo phì và nghiện đường nhất thế giới !

Năm 2016, để phòng chống “dịch” béo phì và nghiện đường, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi tất cả quốc gia áp thuế với đồ uống có đường ngọt (thuế nước ngọt, sugary drinks tax) với cách tính thuế tăng theo hàm lượng đường, càng ngọt thuế càng cao.

Theo khuyến cáo của WHO, trong khẩu phần ăn, carbohydrate (đường, bột) cung cấp gần 10% tổng lượng calo tiêu thụ: Một người lớn trung bình cần khoảng 2.000 calo mỗi ngày, năng lượng từ đường bột gần 200 calo, tương đương khoảng 50 gam hoặc 12 thìa cà phê. Khoa học dinh dưỡng cũng chỉ rõ, fructose, chất đường ngọt chính gây nghiện, thay vì chuyển hóa sinh ra năng lượng chúng lại sản sinh ra các chất độc gây bệnh cho người.

Do đó, cần xem đường ngọt chứa fructose là chất phụ gia thực phẩm tạo vị ngọt, có thể gây nghiện, hơn là một thức ăn dinh dưỡng chính thống.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam