Nghiên cứu về việc "bỏ đói" tế bào ung thư

Hà An

(Dân trí) - Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature cho thấy, các khối u tuyến tụy ở chuột phát triển chậm hơn khi chúng ăn chế độ ăn hạn chế calo.

Theo Webmd, từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng các tế bào ung thư đang hoành hành, tiêu thụ rất nhiều glucose khi chúng phát triển. Câu hỏi đặt ra là liệu bỏ đói glucose có làm chậm sự phát triển này mà không gây hại cho phần còn lại của cơ thể hay không? Để có câu trả lời, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu trên những con chuột mang khối u tuyến tụy. Họ cho một nhóm ăn chế độ ăn ít calo, chế độ ăn bình thường cho một nhóm và chế độ ăn ketogenic giàu protein, chất béo cao, ít carbohydrate cho nhóm thứ ba.

Kết quả, chỉ có khối u ở nhóm chuột ăn chế độ ăn ít kcal mới phát triển chậm hơn, có nghĩa là khối u cần nhiều hơn không chỉ là glucose để tiếp tục phát triển. Mức glucose thấp hơn khi hạn chế calo và chế độ ăn keto, nhưng lipid cũng thấp hơn khi hạn chế calo.

Nghiên cứu về việc bỏ đói tế bào ung thư - 1

Ảnh: News Medical.

Tất cả các tế bào, bao gồm cả tế bào ung thư, sử dụng lipid để xây dựng màng ngoài bảo vệ của chúng. Mức độ lipid tăng lên trong chế độ ăn keto có thể đã cung cấp cho các khối u tất cả các loại lipid cần thiết để tạo màng tế bào mới.

Nghiên cứu này cho thấy chìa khóa để làm chậm ung thư ở những con chuột này là giảm cả glucose và lipid. Và điều này có chế độ ăn hạn chế calo mới làm được. 

Song điều đó không có nghĩa là bất kỳ ai bị ung thư cũng nên thực hiện một chế độ ăn kiêng đặc biệt, vì lý do con người chúng ta không phải là chuột. Một điều cần lưu ý là các mô khỏe mạnh của cơ thể vẫn cần những chất dinh dưỡng này. Vì thế, bệnh nhân ung thư không nên thay đổi chế độ ăn mà không có hướng dẫn của bác sĩ.  

Nhưng nhiều nghiên cứu hơn trong lĩnh vực này có thể xác định sự kết hợp của chế độ ăn uống cụ thể và liệu pháp điều trị bằng thuốc để tăng cường điều trị ung thư. Những phát hiện trên cho thấy rằng sử dụng chế độ ăn uống hoặc thuốc để hạn chế hấp thụ một số chất béo hoặc các tế bào sử dụng chúng có thể là một con đường dẫn đến "bỏ đói" tế bào ung thư mà không gây hại cho con người. 

GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khuyên cần có một cơ thể khỏe mạnh thì mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt. Cơ thể khỏe mạnh thì mới có các tế bào miễn dịch khỏe mạnh đủ khả năng phát hiện, ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, trong đó có tế bào ung thư. 

Bên cạnh đó, bản thân tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và chúng sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh. Nếu không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…. 

Theo GS Khoa, bên cạnh việc dùng thuốc và các phương pháp điều trị đặc hiệu thì dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong liệu trình điều trị bệnh nói chung và đặc biệt đối với người bệnh ung thư. Cần phải coi ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, khoa học là một phần không thể thiếu trong việc phòng và chống ung thư.