Nghịch lý của người Việt: Sốt sắng mua khẩu trang vì ô nhiễm, thản nhiên ăn uống ở lề đường đầy bụi
(Dân trí) - Khi được cảnh báo về ô nhiễm không khí, chúng ta sốt sắng mua thêm khẩu trang, sắm máy lọc, nhưng vẫn thản nhiên ăn uống ở các hàng quán nằm ngay sát lề đường đầy bụi bặm.
Mặt trái của quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa là vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở những đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vốn đang trong giai đoạn phát triển “nóng”.
Vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng dành được nhiều sự chú ý của dư luận, đặc biệt là khi người dân dần nhận thức được những tác hại nghiêm trọng đến cơ thể của bụi mịn, tác nhân tồn tại ở ngưỡng đáng báo động trong không khí ở các đô thị Việt Nam.
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại ở Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung: Khi được cảnh báo về vấn đề ô nhiễm không khí, người dân sốt sắng tìm mua các loại khẩu trang hiện đại chuyên dùng để chống bụi mịn; không tiếc tiền chi hàng triệu đồng để sắm máy lọc không khí cho gia đình, nhưng vẫn không e dè việc thưởng thức các món ăn “khoái khẩu”, được bày biện ngay sát mặt đường đầy bụi bặm, tấp nập xe cộ qua lại.
“Văn hóa vỉa hè” là một nét đặc trưng của Việt Nam và đây cũng là nhận xét chung của hầu hết du khách nước ngoài khi đến với mảnh đất hình chữ S. Chính vì vậy, không khó để bắt gặp những hàng quán dựng ngay sát vỉa hè với đủ các loại món ăn: hoa quả dầm, thịt xiên, cá nướng…
Dù là một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Việt, nhưng chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng, việc các món ăn được bày biện ngay sát lề đường với mật độ giao thông cao thì độ vệ sinh khó có thể được đảm bảo.
Theo thạc sỹ Đinh Xuân Ngôn, Trưởng khoa Vệ Sinh và An toàn lao động, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, không khí ở đô thị, đặc biệt là các trục đường giao thông không chỉ có bụi, bụi mịn mà còn nhiều tác nhân ô nhiễm khác với khả năng gây hại cho cơ thể thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Một ví dụ điển hình chính là các sản phẩm từ quá trình đốt cháy nhiên liệu như: CO, SO2, NO2, các chất phụ gia trong xăng như styren, toluen và benzen…những chất này có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí là ung thư đặc biệt là ung thư máu.
Cũng theo chuyên gia này, khi ăn uống ở các hàng quán vỉa hè ngay sát trục đường giao thông đông đúc, người dân không chỉ chịu những tác động của vấn đề ô nhiễm không khí thông qua hô hấp trực tiếp, mà các tác nhân ô nhiễm, đặc biệt là bụi, bụi mịn trong không khí còn bám vào thức ăn nên chúng ta cũng vô tình hấp thụ chúng qua đường tiêu hóa. Do đó, ngay cả khi mua đồ ăn mang về nhà, bạn vẫn trở thành nạn nhân của ô nhiễm không khí. “Các hạt bụi còn là vật chứa vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm mốc, khi chúng ta ăn thực phẩm có bám bụi cũng có nghĩa là đã đưa những vi sinh vật gây bệnh này vào trực tiếp hệ tiêu hóa.” – chuyên gia này nhấn mạnh
Khách hàng quen thuộc của những hàng quán vỉa hè này là đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là khi các món ăn vừa rẻ, vừa bắt mắt, vừa ngon miệng này lại thường được bày bán ở khu vực quanh cổng trường.
Nhiều bậc phụ huynh dường như vẫn chưa ý thức được những ảnh hưởng đến sức khỏe các các món ăn không hợp vệ sinh này với con trẻ.
Không chỉ có trẻ em, không ít người lớn cũng là khách quen của các hàng quán ven đường. Tuy nhiên, lựa chọn của họ thường là các món nhậu, món mua mang về như: dồi nướng, chim quay, vịt quay.
Ghi nhận tại đường Lương Thế Vinh, tuyến đường tuy nhỏ nhưng luôn trong tình trạng đông đúc, không ít các món ăn chín được chế biến, bày bán ngay sát lề đường mà không hề có bất kỳ sự che chắn nào, trong khi các phương tiện giao thông qua lại liên tục xả khói và gây bụi.
Những miếng thịt nướng lu thơm lừng và nịnh mắt nhưng lại là thứ mang trực tiếp các loại bụi bặm từ con đường bên cạnh vào cơ thể người ăn.
Chúng ta tìm mọi cách để che chắn, bảo vệ cơ thể khỏi ô nhiễm không khí khi di chuyển trên đường và ngay cả khi ngồi trong nhà, nhưng rốt cuộc lại để những tác nhân gây hại này thoải mái tấn công chỉ vì các món ăn khoái khẩu trên vỉa hè.
Minh Nhật