1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghị lực “tàn mà không phế” của một người thầy thuốc thương binh

(Dân trí) - Bác sĩ Phan Chí Thành, người đầu tiên phát hiện bệnh xơ hoá cơ delta ở Hà Tĩnh và luôn trong tâm khảm, niềm tin của nhân dân, đồng nghiệp, đáng lẽ phải được phong danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới từ 4,5 năm trước.

Nghị lực “tàn mà không phế” của một người thầy thuốc thương binh - 1

Thầy thuốc Ưu tú Phan Chí Thành và vợ là nhà giáo Nguyễn Thị Lộc

 

Nghe tin bác sĩ Phan Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Nghi Xuân vừa được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú lần thứ 10, chúng tôi, những người quen biết anh và thân nhân các bệnh nhân bị xơ hoá cơ delta ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cũng như ở các địa phương khác trên toàn quốc rất vui mừng, phấn khởi nhưng không khỏi có chút bùi ngùi.

 

Bác sĩ Phan Chí Thành, người đầu tiên phát hiện ra bệnh xơ hoá cơ delta ở Hà Tĩnh và cũng là trên cả nước; người đã quên bệnh tật, đau đớn của bản thân, bỏ ra hàng mấy năm trời lăn lộn khắp mọi chốn thôn cùng xóm vắng ở Nghi Xuân để điều tra, lập hồ sơ và vận động mọi nguồn lực nhằm phẫu thuật chỉnh hình cho các cháu thiếu niên, nhi đồng bị căn bệnh “chim sệ cánh”; người mà suốt cả năm 2006 và những năm tiếp theo đã trở thành nhân vật trung tâm của các chương trình truyền thông, thông tin về căn bệnh teo cơ delta  đáng lẽ phải được phong danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới từ 4, 5 năm trở về trước.

 

Có người bảo, anh không được “danh” này “lợi” nọ là vì anh không chịu làm hồ sơ, không tuân theo những “thủ tục” đã được quy định của Nhà nước. Quả thực, ngay tại lần xét danh hiệu này, bạn bè, người thân cũng phải thúc ép mãi anh mới chịu làm hồ sơ. Với anh, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội là trách nhiệm, bổn phận của mình, không vì danh lợi.

 

Cuộc đời của anh là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt lên chính mình, chiến thắng bệnh tật, chiến thắng mọi trở ngại để sống vui, sống thanh thản, sống có ích cho đời theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn mà không phế”.

 

Phan Chí Thành sinh ra trong một gia đình gia giáo có truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước và cách mạng. Là đứa con áp chót trong đại gia đình 8 người con, bác sĩ Thành được thừa hưởng khá nhiều tình cảm và sự giáo dưỡng của các cụ thân sinh. Đấy là nguồn lực tiềm tàng để anh có thể phát huy vượt mọi khó khăn trong cuộc sống.

 

Nhập ngũ 2 lần với hàng chục vết thương trên khắp cơ thể, anh trở về công tác tại Bệnh viện huyện Nghi Xuân, học chuyên tu khoa Tai - Mũi - Họng, Học viện Y khoa Huế, và trở về làm Trưởng phòng khám Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Xuân. Cùng thời điểm này, vết thương ở cột sống tái phát, chèn ép tủy, làm 2 chân bị liệt và lần mổ thứ nhất không thành khiến anh vô cùng đau đớn, đến mức phải dùng morphin liên tục 2 năm liền đến mức thành nghiện và rồi lại vật vã cai nghiện. Sau lần mổ thứ hai, anh nằm bất động đến 7 tháng trời, thối loét cả mông và lưng. Với nghị lực phi thường, với sự trợ giúp của người thân, sau gần một năm anh đi làm trở lại, dù chân trái hoàn toàn mất cảm giác, chân phải teo tóp.

 

Anh lại tiếp tục bám trận địa mới để chống bệnh tật và bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em. Và số phận lại run rũi đẩy anh vào những khó khăn, bất lợi mới. Khi anh phát hiện và công bố số liệu trẻ em Nghi Xuân bị teo cơ delta thì các cấp của ngành y tế đều “choáng” cũng là lúc Trung tâm Y tế Nghi Xuân đang chuẩn bị được xét phong danh hiệu anh hùng. Vậy là nhiều người cho rằng bác sĩ Thành cố tình tung tin để phá. Anh oằn mình chống chọi những cơn đau do vết thương cũ tái phát và lòng anh “rỉ máu” vì những vết thương mới này.

 

Vượt lên tất cả những tổn thương, đau đớn do bị sang chấn về thể xác và tâm hồn, anh vẫn kiên trì công việc lập hồ sơ, đề xuất, vận động mọi nguồn lực, đồng nghiệp, vợ con, bạn bè, hàng xóm… quyết tâm giành lại sức khoẻ, niềm tin, hạnh phúc cho thế hệ trẻ.

 

Thân nhân các gia đình đưa con cháu đến thăm khám làm hồ sơ, không có tiền đi xe ôm về nhà, anh cũng phải móc tiền túi ra cho. Trẻ em bị mắc bệnh này, phần lớn là con cháu những gia đình rất nghèo. Bên cạnh nhà anh, là nhà anh Trần Chung làm nghề nhiếp ảnh. Cảm phục tinh thần vì dân của bác sĩ Thành, gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Chung đã chụp hàng ngàn bức ảnh hồ sơ cho các cháu mà không lấy một đồng nào.

 

Từ một cơ quan đang rơi vào tình trạng “có làm chẳng ai biết, không làm chẳng chết ai” - mọi thứ đang là số không, không có người làm, không có định hướng, không có cơ sở vật chất, không ai giúp đỡ - anh đã lao vào làm việc, bám sát cơ sở, lập lại toàn bộ hệ thống mạng lưới thông tin dân số và đưa bộ máy vào vận hành, hoạt động có hiệu quả sau một thời gian rất ngắn. Kết quả, ngành Dân số Nghi Xuân từ khi thành lập, nhất là năm anh về điều hành (1992) cho đến năm 2008, đạt được khá nhiều thành tích, trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương lao động hạng 3.

 

Trong những thành tích to lớn mà anh đã cùng anh em cán bộ ngành DS – KHHGD Nghi Xuân đạt được, thì kết quả điều tra, phòng chống, chữa trị bệnh xơ hoá cơ delta là một thành tích ưu trội mà đến nay trong dư luận xã hội và trên các cơ quan thông tin đại chúng, vẫn còn ngân vang dư âm.

 

Mới đây, tôi đến chơi nhà bác sĩ Thành để chúc mừng sự kiện anh sắp được tặng danh hiệu cao quý. Trong lúc đang ôn lại chuyện cũ sáu năm về trước, Trần Chung sang chơi, ông nghệ sĩ chỉ vào ông bác sĩ, thủ thỉ nói “Đây là người tàn tật quyết giúp người khuyết tật”. Nghe anh Chung nói, tôi hết sức ngạc nhiên. Có lẽ, viết về bác sĩ Phan Chí Thành thì không có lời nào hay hơn, đúng hơn, thần tình hơn lời ông phó nháy hóm hỉnh này.

 

Nghi Xuân, ngày 18/2/2012

Phạm Quang Ái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm