1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Nghi án mất con”: Kết luận gây tranh cãi của Hội đồng khoa học

(Dân trí) - Ngoài kết luận sản phụ chỉ sinh một bé gái, Hội đồng Khoa học còn khẳng định bệnh viện làm đúng tất cả các quy trình từ tiếp nhận, siêu âm đến phẫu thuật.

Bệnh viện liên tục thất hứa

“Bệnh viện hứa với gia đình, chiều 24/7 sẽ chính thức thông báo kết luận từ phía Hội đồng Khoa học về ca sinh nở của vợ tôi. Nhưng bây giờ (17hngày 25/7) đã là ngày thứ hai trôi qua tôi nhiều lần chạy đến bệnh viện nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ một lời nào”.

Anh Tâm hai mắt đỏ hoe nói tiếp: “Sáng nay, tôi lên bệnh viện và có gọi điện cho Ban giám đốc nhưng không ai nghe máy. Đến 15h30 chiều, tôi tiếp tục lên và chầu chực tại bệnh viện hơn 1 giờ đồng hồ nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Tôi còn phải đi bán hủ tiếu nuôi vợ con nữa chứ. Chờ như vậy thì lấy gì sống đây… Gia đình tôi chỉ cần một lời hứa dứt khoát từ bệnh viện”.
 
Gia đình sản phụ sẽ tiếp tục khiếu nại để làm sáng tỏ nghi án mất con
Gia đình sản phụ sẽ tiếp tục khiếu nại để làm sáng tỏ "nghi án mất con"

Không chỉ gia đình anh Chí Tâm mà còn có cả nhóm phóng viên cũng bị bệnh viện “hứa lèo”. Sau khi từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, chiều 24/7 BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, hẹn: “Sáng mai chúng tôi sẽ tổ chức họp hội đồng kỷ luật sau đó sẽ làm báo cáo tổng hợp. 11h trưa anh em cứ đến chúng tôi sẽ cung cấp thông cáo báo chí. Anh em cần vấn đề gì thêm chúng ta sẽ thẳng thắn trao đổi”.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược với lời nói “chắc như đinh đóng cột” của vị bác sĩ đứng đầu bệnh viện này. Đến hẹn, đúng 11h trưa, nhiều phóng viên có mặt. Phòng giám đốc cửa đóng then cài, ra đón tiếp là một nhân viên của bệnh viện. Sau ít phút cô nhân viên đi xin ý kiến cấp trên thì quay lại cho biết: “Xin lỗi hôm nay bệnh viện chưa có kết luận… Khi nào có chúng tôi sẽ thông báo”.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn lại gặp “tai ương” khiến nhiều ngày qua anh Tâm bỏ công bỏ việc theo chăm sóc vợ và chờ đợi thông tin về đứa con thứ hai của mình. Tuy nhiên, trái ngược với thái độ cầu thị của anh là hành động lảng tránh của bệnh viện. Dư luận đang đặt câu hỏi phải chăng có những chuyện khuất tất nên bệnh viện không dám đối mặt với sự thật.

Kết luận chỉ dựa trên hình ảnh siêu âm cuối cùng?

Chiều 25/7, đúng một ngày sau khi cuộc họp “kín” của Hội đồng Khoa học diễn ra tại bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế mới bước đầu cung cấp thông tin cho báo giới. Theo đó, cuộc họp ngày hôm qua có sự góp mặt của đại diện phòng Nghiệp vụ Y; BS Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương; BS Tạ Thị Thanh Thủy chuyên về siêu âm thai (BV Hùng Vương) cùng Ban giám đốc và các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Dựa trên sổ khám thai định kỳ và các kết quả siêu âm (bản photocopy) được gia đình cung cấp thì từ tháng 2 đến tháng 7, sản phụ Trần Thị Kim Hiên, đã đi khám thai tổng cộng 10 lần ở phòng khám Phước Sơn, với nhiều BS khác nhau. Trong đó BS Vũ Thị Thu, hiện đang công tác tại khoa sản A, bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cũng tham gia vào việc khám và kết luận cho thai phụ.

BS Hoài Nam cho biết: “Trong quá trình khám thai và siêu âm, các BS đã có nhiều sai sót. Vì qua hình ảnh siêu âm cuối cùng, Hội đồng Khoa học khẳng định chỉ có một thai bao gồm một tim thai, hình ảnh chụp một sọ, kết hợp với cân nặng của sản phụ, chiều cao tử cung…

Phòng khám Phước Sơn chỉ có một máy siêu âm 2D không phải loại máy siêu âm để chẩn đoán thai một cách tốt nhất khi chụp hình em bé. Trong một lần khám, bác sĩ siêu âm đã từng tư vấn cho sản phụ nên đi siêu âm 4D tại các bệnh viện lớn như Từ Dũ hoặc Hùng Vương. Không biết sản phụ có đi siêu âm 4D hay không, nhưng khi sản phụ đến khám lần sau và nói “đã siêu âm rồi” vẫn là song thai. Tuy sản phụ không cung cấp giấy tờ hoặc hình ảnh chứng minh đã siêu âm 4D nhưng dựa trên lời nói này các bác sĩ đã bị dẫn dắt theo”.

Về phía trách nhiệm của bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, BS Hoài Nam cho biết, Hội đồng Khoa học khẳng định bệnh viện làm đúng tất cả các quy trình từ tiếp nhận, siêu âm đến phẫu thuật mổ bắt con và chống nhầm lẫn. Hình ảnh siêu âm vào ngày 15/7 trước khi sản phụ vào phòng sinh cũng chỉ ghi nhận một thai. Kết quả này cũng đã được báo cho sản phụ, nhưng do sản phụ cứ khăng khăng là siêu âm trước đó cho thấy song thai, nên BS của phòng siêu âm đã ghi kết luận một thai và kèm theo câu cần phải kết hợp với khám lâm sàng.

Gia đình sẽ tiếp tục khiếu nại

Sau khi nhận được thông tin kết luận của Hội đồng Khoa học, về ca sinh nở của vợ mình, anh Tâm bức xúc: “Tôi không đồng ý với quyết định này, gia đình tôi sẽ khiếu nại đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề và trách nhiệm của những người liên quan.
 
Nếu biết trước chỉ có một thai việc gì vợ tôi phải sinh mổ cho đau đớn và tốn kém
"Nếu biết trước chỉ có một thai việc gì vợ tôi phải sinh mổ cho đau đớn và tốn kém"

Trước khi sinh mổ, vợ tôi được siêu âm lại một lần nữa, kết quả vẫn là song thai. Tôi lấy danh dự của mình để khẳng định chuyện này. Nếu là một thai sao bệnh viện không tiến hành hội chẩn kết luận lại mà vẫn đè vợ tôi ra mổ để cớ sự đến mức như thế này. Nếu biết trước chỉ có một thai việc gì vợ tôi phải sinh mổ cho đau đớn và tốn kém.

Còn việc “bác sĩ đã thông báo cho sản phụ” vợ tôi cũng như gia đình tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào. Tôi đề nghị bệnh viện cũng như các cấp ngành có liên quan khẩn thiết hủy kết quả của cuộc họp kín hôm qua và tổ chức một cuộc họp khác bao gồm ba bên Sở Y tế, bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức và gia đình để đối chất rõ ràng”.

Vân Sơn