1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghèo cũng xài sừng tê: Muôn nẻo chữa bệnh

Hầu như không tìm thấy trường hợp nào mua sừng tê giác chỉ để ngắm và khoe của như nhận định của nhóm điều tra quốc tế. Nhóm phóng viên TTT nhận thấy nhiều người đều cậy nhờ vào phép màu của sừng tê khi bệnh tình đến nước phải vái tứ phương. Đáng chú ý, lượng sừng tê giác mua chỉ vài gram cho đến vài trăm gram.

Ít thấy làm cảnh

Ít thấy làm cảnh

Tất cả các trường hợp sở hữu sừng tê giác mà chúng tôi tiếp cận đều không thấy trường hợp nào mang trưng bày để cho khách biết.

Mặc dù gia cảnh nghèo, ông B. ở Phố Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết chưa bao giờ đem chiếc sừng tê giác đặt ở nơi trang trọng trong nhà vào bất cứ thời điểm nào trong năm, kể cả vào các lễ tết, dịp các gia đình Việt Nam thường có thói quen bày biện đồ quý hiếm. Thay vào đó, nơi trưng bày chiếc sừng là tủ lạnh, chỗ thường để thức ăn.

Ông H. hàm vụ trưởng ở Hà Nội cũng vậy. Các sản phẩm tê giác mà ông sở hữu như sừng non tê giác, mật tê giác hay cao tê giác đều thuộc nhóm hàng hiếm gặp so với các sản phẩm sừng tê giác to đùng khác. Tuy vậy, chúng không bao giờ được để ở nơi khách có thể quan sát thấy.

Vì tin tưởng và được người giới thiệu, ông mới mang từ phòng trong ra cho chúng tôi xem và mượn về nghiên cứu.

Vì sao khỏi, khó xác
định

Vì sao khỏi, khó xác định

Là phu nhân của một sỹ quan quân đội, chị Th có cơ may được dùng sừng tê giác liên tục ba năm để chữa một bệnh mà chị bảo tây y không chữa được. Gia đình chị trú ở Hà Nội và bản thân chị công tác ở một toà soạn báo nổi tiếng cũng ở Hà Nội.

Mắc bệnh máu không đông một thời gian dài sau sinh nở, chị Th. tốn rất nhiều tiền đến các bệnh viện dân sự để chữa. Nhờ chồng là đại tá, chị được đưa vào điều trị tại bệnh viện quân đội. Tình hình cũng không được cải thiện là bao.

Cuối cùng chị cũng kiếm được một mẩu sừng tê giác nặng cỡ 200gr cắt từ chiếc sừng nguyên chiếc được bộ đội biên phòng tịch thu từ một nhóm buôn lậu ở vùng biên giới Việt- Lào.

Mài sừng tê giác và hoà vào nước lã, mỗi ngày chị uống một lần. Sau ba tháng, chị bảo bệnh máu không đông của chị giảm hẳn. Chúng tôi hỏi chị có xác nhận của bác sỹ không và trong ba tháng đó chị có dùng thêm thuốc gì không. Chị cho biết có đến bệnh viện kiểm tra và được bác sỹ xác nhận đã thuyên giảm gần như hoàn toàn.

Về thuốc, chị vẫn tiếp tục dùng các loại mà, trước khi uống nước bột sừng tê giác, chị thường dùng. “Nhưng trước khi dùng sừng tê giác, tôi thấy bệnh không biến chuyển gì dù uống đều đặn các loại thuốc đó”, chị Th nói.

Không những tin mình khỏi bệnh máu không đông, chị còn tin mình đỡ chóng mặt hơn, ăn cơm ngon hơn và da dẻ hồng hào hơn nhờ uống nước sừng tê giác.

Cổ truyền tung hô

Cổ truyền tung hô

Con trai bà Phùng là cán bộ Thị trấn An Hải. Ông được biếu một miếng sừng tê giác. Và miếng sừng tê ấy ông mang về để mẹ mài ra uống dần.

Ông là Nguyễn Văn Yết, 55 tuổi, giữ chức Trưởng phòng Xây dựng Thị trấn An Dương, Huyện An Hải, Thành phố Hải Phòng. Ông có nghề bốc thuốc dù không qua trường lớp nào. Bài thuốc nổi tiếng của ông chữa bệnh thần kinh tọa và thực tế đã chữa khỏi cho nhiều người.

Bố chồng cô con gái thứ hai trong số ba cô con gái của ông là Phó Chủ tịch Huyện An Hải nơi ông đang công tác. Người bố chồng kiêm trưởng ban dự án sân bay Cát Bi này đang sử dụng sừng tê giác. Không biết nghe ai nói, ông Yết nhờ con gái xin bố chồng một ít sừng tê giác về để cho mẹ mài uống thử.

Ông Yết khoe, sau hai tháng uống, thấy mẹ tay hết run, người khỏe hơn. “Giờ mấy thứ bệnh như xương khớp, mẹ tôi có trong người đều khỏi. Cụ đã có thể đứng dậy đi lại”.

Ông Yết bảo, không biết có đúng là mẹ ông khỏi bệnh nhờ sừng tê giác không. Có điều, lúc đầu, mẹ ông bị đau xương khớp, tay run, người yếu không đi lại được. Với kiến thức thầy lang của mình, ông nhận định khả năng gan của mẹ ông tích độc do tiêm và uống nhiều thuốc, ăn vào không hấp thụ được gây nên tình trạng suy nhược sức khỏe.

“Sừng tê giác có tác dụng giải độc đấy”, ông Yết kết luận. “Thế hóa ra cụ chữa bệnh khớp bằng tây y lại hại thêm à? Mà anh giải độc cho mẹ hay chữa khớp?”. Ông Yết lảng, không trả lời câu hỏi của chúng tôi.

Rồi ông khoe hôm vừa rồi cũng có một đối tác biếu ông một mẩu sừng tê giác. “Cái đấy đắt hơn vàng, 1 gram giá một triệu đồng. Một mẩu bé bé đã 20 triệu rồi.

Trong khi nhiều người được hỏi không tin hoặc hoài nghi về tác dụng của sừng tê giác, không ít người hành nghề đông y và có chức sắc khẳng định sừng tê giác thực sự có tác dụng chữa một số bệnh.

“Sừng tê giác có công dụng không ư? Đã là thú rừng, nó ăn lá cây quý trong rừng, ngâm rượu đều tốt cả”, bà Sâm, Huyện Thanh Ba, Phú Thọ, nói. Bà là một lương y chính hiệu, kiến thức về cây thuốc bí truyền rất phong phú.

Doanh nhân kín tiếng

Kỳ lạ, rất ít giám đốc doanh nghiệp được hỏi có dùng sừng tê giác. Ông Tỉnh, Giám đốc một máy gạch ở Huyện Lâm Thao, Tỉnh Phú Thọ, nói: “Không. Tớ chả bao giờ dùng. Cũng có đứa đàn em cho nhưng tớ dùng làm gì. Tác dụng đâu không thấy. Có khi mang bệnh vào người”.

Ông Nguyễn Xuân Vịnh là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng cầu đường ở Tỉnh Lào Cai. Nghề của ông Vịnh cũng thường xuyên phải tiếp khách mà dân miền núi thì luôn uống rượu như hũ chìm. Bố vợ ông Vịnh nguyên là trung tướng quân đội nghỉ hưu.

“Ông có mấy miếng sừng nguyên cả ngọn. Ngày xưa anh em đơn vị biếu. Nay vẫn vứt lăn lóc trong tủ. Mẹ vợ cứ bảo hôm nào say mài ra mà uống. Em uống mấy lần có thấy đỡ đâu. Giờ vứt đấy có ai dùng đâu”, ông Vịnh kể.

Bố vợ ông Vịnh bảo ngày xưa anh em trong đơn vị biếu thì cầm, chứ ông giờ ngoài 80 tuổi vẫn khỏe mà cũng chả bao giờ dùng.

Ông Phạm Văn Yên là Giám đốc một trong những tổng công ty 90-91 ở Hà Nội. Ông Yên chia sẻ: “Khỏe nhất là đừng uống những thứ tự tạo đấy vào người. Chúng nó cho tớ đầy. Nói thật với em, chỉ những người mình gọi là ít học, hay ốm quá mới tin vào những thứ vớ vẩn ấy. Năm ngoái cụ đằng nhà vợ ốm nặng, không phải tớ không có tiền. Bây giờ khoa học hiện đại thế mà đã không chữa được, chả có sừng gì mà sống được cả”.

Theo Nhóm phóng viên TTT

Tiền phong