Nghề ngồi cho... muỗi đốt!
Cứ chiều thứ Hai hàng tuần, nhóm tình nguyện của dự án “Loại trừ sốt xuất huyết ở VN” tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ lại hẹn nhau ở “trang trại” muỗi - phòng Thí nghiệm côn trùng y học - cùng ngồi cho… muỗi ăn.
Lần lượt mỗi người đưa 2 cẳng tay hoặc 2 cẳng chân vào lồng muỗi trong thời gian từ 10 - 15 phút và thư giãn chờ muỗi dùng bữa xong. Được ăn no, đủ chất muỗi sẽ đẻ ra những quả trứng mẩy và chắc, từ đó cho ra đời đàn muỗi mới mạnh khỏe, phục vụ cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học ở đây.
Xem “chân dài” cho muỗi ăn
Hôm nay, chị Lê Trần Lan Phương - cán bộ Phòng Tổ chức, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - xuống cho muỗi ăn. Chị cũng không nhớ chị đã tình nguyện cho đàn muỗi hút máu bao nhiêu lần. Nhìn đôi chân dài mượt mà của chị, tôi hơi tiếc bởi chắc chắn nốt muỗi cắn đỏ sưng sẽ làm đôi chân “bớt” đẹp đi. Nhưng có vẻ sự băn khoăn của tôi là thừa.
Chiếc váy ngắn dường như giúp chị dễ dàng và từ tốn đưa 2 cẳng chân vào lồng nuôi muỗi. Cả lồng muỗi với 300 con như rung lên, chúng như ngửi thấy mùi thức ăn yêu thích, bay lên và bâu kín vật thể lạ mới xuất hiện.
Đôi chân dài thoáng rung một lúc rồi như trở lại trạng thái bình thường. Chị Phương tả đó là cảm giác nửa buồn buồn, nửa ngưa ngứa, chứ không hề buốt như nhiều người sợ. Lần đầu tiên cho muỗi ăn, chị chỉ đưa một chân vào cho muỗi ăn nghe ngóng đã. Nhưng da chị không bị dị ứng nên sau khi rửa xà phòng, cảm giác ngứa giảm đi rất nhiều. Không để ý đến nữa, vài ngày sau, những nốt đỏ muỗi cắn cũng dường như đã biến mất.
Hai mươi chiếc lồng muỗi được sắp xếp ngăn nắp trên giá, lần lượt được đưa xuống cho ăn. “Trang trại” muỗi chỉ rộng khoảng 10m2 rộn ràng tiếng cười đùa. Dường như tiếng cười làm 15 phút ngưa ngứa, buồn buồn trôi đi nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn.
Hơn một giờ sau, buổi tiếp thực phẩm của 12 tình nguyện viên kết thúc. Rời lồng muỗi, ai nấy sáp gần bồn rửa, để loại bớt tác nhân gây ngứa của muỗi, rồi lại hối hả trở về những công việc chính thường ngày của mình.
Thực hư thả muỗi để phòng sốt xuất huyết
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà đang thực hiện nghiên cứu “Thay thế quần thể muỗi vằn tự nhiên bằng quần thể muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia nhằm giảm lây nhiễm virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết (SXH)” tại đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa”.
Liên tục trong vòng 3 tháng, từ đầu tháng 4.2013, sẽ có tổng số khoảng 200.000 bọ gậy (ấu trùng của muỗi) mang vi khuẩn Wolbachia được đưa từ đất liền ra, đặt vào 800 hộ trên đảo.
Mục tiêu của các nhà khoa học là muỗi vằn đã mang vi khuẩn Wobachia sẽ “cặp đôi” với muỗi vằn tự nhiên trên đảo. Sau 3 tháng, đảo Trí Nguyên sẽ có một quần thể muỗi vằn mang Wolbachia.
Wolbachia vốn là vi khuẩn nội bào tồn tại tự nhiên trên hơn 70% loài côn trùng trên trái đất. Khi muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia thì khả năng bị nhiễm virút dengue giảm. Vì thế, nếu muỗi mang Wolbachia thay thế hoàn toàn muỗi Aedes aegypti tự nhiên thì sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lan truyền dịch SXH trong cộng đồng.
Đó là lý do VN tham gia dự án có quy mô toàn cầu nghiên cứu ứng dụng muỗi mang Wolbachia trong phòng, chống SXH từ năm 2006 đến nay. VN là quốc gia thứ 2 trên thế giới thử nghiệm tác nhân sinh học này, sau Australia. Dự án đã được Bộ Y tế phê duyệt và UBND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận; đã tiến hành tham vấn cộng đồng và được sự ủng hộ của đông đảo người dân, chính quyền địa phương.
Cưng muỗi còn hơn nâng trứng, hứng hoa
Một trong những nhiệm vụ của nhóm các nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư trong thời điểm này là nhân giống muỗi mang Wobachia trong phòng thí nghiệm đủ cung cấp cho việc định kỳ đặt quăng trên đảo hằng tuần. Muỗi phải được ăn no và thức ăn phải sạch thì mới đẻ ra những quả trứng đạt yêu cầu.
Vì thế, yêu cầu với người cho muỗi ăn, tự nguyện không đủ mà còn phải khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm, không bị SXH, viêm gan. Trong vòng 1 tuần trước khi cho muỗi ăn, ho, sốt đơn thuần, họ cũng bị loại.
Bà Nguyễn Thị Yên – cán bộ Phòng Thí nghiệm côn trùng y học – là người mà nhóm nghiên cứu vẫn gọi thân mật là “ma ma tổng quản” như một nhân vật trong phim Hàn Quốc. Cùng các đồng nghiệp trẻ nghiên cứu từ những ngày đầu tiên của dự án, “ma ma” cũng là một trong những người đầu tiên cho muỗi ăn, và cho ăn nhiều lần nhất.
Bà kể lại: “Lúc đầu, không phải mọi người không ngại bị ngứa, sợ bị lây bệnh. Thế rồi, khi biết rõ là muỗi Wobachia dù đốt cũng không truyền vi khuẩn sang người, ngày càng có thêm nhiều người tự nguyện góp sức cho nghiên cứu. Nay việc đã như “chuyện thường ngày ở huyện”, họ tự nguyện làm không cần ai chê hay khen cả”.
Vì sao không mua những túi máu ở ngân hàng cho muỗi ăn? Bà Yên bảo câu hỏi này cũng là thắc mắc của nhiều người, trước khi họ ngồi cho muỗi ăn. Bởi máu trong ngân hàng chỉ đạt yêu cầu loại trừ các bệnh truyền nhiễm, chứ không ai biết nồng độ kháng sinh trong đó.
Kháng sinh tưởng như vô hại với muỗi, nhưng sẽ tiêu diệt vi khuẩn Wolbachia – điều này đi ngược lại mục đích của các nhà khoa học. Không chỉ đòi hỏi thức ăn hoàn toàn “tinh khiết”, muỗi còn đòi hỏi thức ăn giàu đạm thì chúng mới đẻ ra những quả trứng to và mẩy.
Hai người cùng cho muỗi ăn thế nhưng lồng muỗi của bà Yên cho ăn lại đẻ trứng sai, tỉ lệ nở cao. Mọi người còn chưa hiểu vì sao, bà đã kịp hỏi và biết người kia nhịn bữa sáng vì vội đi làm quá nên ảnh hưởng tới chất lượng máu cho muỗi ăn.
Theo quy luật sinh tồn, muỗi mang Wolbachia sẽ cặp đôi với muỗi tự nhiên trên đảo, để rồi sau 3 tháng, lai tạo được một quần thể muỗi mới nhiễm khuẩn Wolbachia. Kế hoạch này cũng là một thử thách với các nhà khoa học, bởi điều đó có đạt được hay không, không chỉ phụ thuộc mật độ muỗi được thả, mà còn tùy thuộc vào khả năng sinh tồn của chính đàn muỗi Wolbachia trong môi trường đảo. Vì thế, muỗi được thả phải đảm bảo là những con khỏe mạnh nhất.
Muỗi được cho ăn máu chỉ đẻ một lứa trứng rồi bỏ. Bởi có thể lứa trứng thứ 2 không có được sức sống, khả năng chống chọi với thiên nhiên mạnh mẽ như lứa đầu tiên. Thế nên, trong những ngày gấp rút để đảm bảo tiến độ này, để đảm bảo đủ số lượng muỗi, có lúc các tình nguyện viên còn bảo nhau uống thêm vitamin để tăng cường sức khỏe và chất lượng máu cũng tốt hơn. Khi tình nguyện viên không đủ số lượng thì có người phải huy động cả 2 tay và 2 chân cho muỗi ăn mới đủ “dinh dưỡng” và đẻ trứng được.
Một nốt muỗi đốt có thể làm một người bình thường tấy đỏ, ngứa cả vài ngày. Thế nên, khi hàng trăm con muỗi bâu vào chân, vào tay mà nói rằng không có cảm giác gì, không sợ gì thì đã không thật dạ.
Chúng tôi, khi đi thực tế vào phòng nuôi muỗi để thực hiện bài viết này, chỉ một vài con muỗi “ghé thăm” đã thấy khó chịu. Nhưng với các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, khi mà nghiệp của họ đã gắn với loài côn trùng này, và niềm đam mê công việc, mong muốn tìm ra một phương pháp phòng chống SXH hiệu quả hơn là động lực để họ vượt qua nỗi sợ ấy, cùng làm việc ít người muốn làm: Để muỗi đốt vào da thịt mình. Nhờ thế, họ có được những công cụ nghiên cứu tốt nhất, ngày một đến gần hơn với thành công cho cộng đồng.
Theo Quang Duy
Lao động