1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nghệ An: Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao

(Dân trí) - Từ 1/9 đến 9/10, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận 809 trẻ đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng. Nhiều trẻ được đưa đến bệnh viện khi đã có những biến chứng nặng như sốt cao liên tục, co giật.

Bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tăng cao trong tháng 9 và đầu tháng 10/2017
Bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tăng cao trong tháng 9 và đầu tháng 10/2017

Thống kê của Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, từ ngày 1/9 đến ngày 9/10, khoa tiếp nhận 809 bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng. Những ngày gần đây, lượng bệnh nhi đến khám tăng đột biến, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 50 ca, trong đó, bệnh phổ biến độ 2a, 2b và độ 3.

Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng xuất hiện các biến chứng nặng như sốt cao liên tục, khó thở, giật mình, co giật…

“Trong số các bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng có nhiều trường hợp nhiễm lại. Nếu như trước đây, bệnh tay chân miệng chỉ ghi nhận ở các khu vực đông dân cư như ở thành phố Vinh và một số huyện đồng thì nay bệnh nhi mắc tay chân miệng được ghi nhận ở các huyện miền núi”, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn cũng khuyến cáo, khi trẻ có những triệu chứng của bệnh tay chân miệng như sốt cao, đau đầu, phát ban không toàn thân kèm theo xuất hiện nhiều nốt mụn trên lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi nhưng cần phải theo dõi và điều trị triệu chứng, kết hợp với vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng với các loại thức ăn dễ tiêu hóa để nâng cao thể trạng cho trẻ.

Khi trẻ có những dấu hiệu điển hình của tay chân miệng cần đưa đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị triệu chứng
Khi trẻ có những dấu hiệu điển hình của tay chân miệng cần đưa đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị triệu chứng

Tuyệt đối tránh chủ quan hay điều trị bệnh theo quan niệm dân gian (như ngâm nước trầu không) bởi bệnh tay, chân, miệng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bệnh tay chân miệng có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh. Hiện chưa có vắc-xin phòng tay chân miệng nên phòng ngừa vẫn là phương án hữu hiệu nhất.

Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ; sử dụng Cloferamin hoặc nước Zaven lau sàn nhà, đồ chơi cũng như giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Khi trẻ bị bệnh, cần thiết phải cách ly từ 7-10 ngày để phòng việc lây mầm bệnh cho các trẻ khác.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm