Ngăn ngừa căn bệnh ung thư đứng hàng đầu tại Việt Nam như thế nào?
(Dân trí) - Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư phổ biến nhất với số mắc năm 2018 là hơn 26 ngàn ca. Đây được coi là loại ung thư "sát thủ" vì tỉ lệ phát hiện sớm rất ít, tỉ lệ tử vong cao.
90% ung thư gan bắt nguồn từ bệnh lý phổ biến này
TS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị yêu cầu, Bệnh viện K cho biết, tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư gan ở nước ta tăng nhanh cả số mắc mới và tử vong.
Theo chuyên gia này, căn bệnh ung thư này liên quan chặt chẽ đến tỉ lệ người mắc viêm gan virus B tại Việt Nam. "Viêm gan virus B là yếu tố, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Tỉ lệ nhiễm viêm gan virus B ở nước ta lên tới 15-20% dân số", TS Tuấn Anh nói.
Cùng quan điểm này, BS Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, viêm gan virus B và C là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, căn bệnh này cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra xơ gan, ung thư gan và tử vong.
Theo ước tính, hiện Việt Nam có khoảng 6,6 triệu người mắc viêm gan B và 900.000 người nhiễm viêm gan C mạn tính.
"Viêm gan B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Một giám sát ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2018 cho thấy trong số bệnh nhân mới chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan thì 66% có viêm gan B và 21% có viêm gan C", BS Vân nói.
Bên cạnh căn bệnh viêm gan virus B, yếu tố thứ 2 làm gia tăng tỷ lệ mắc căn bệnh này đó là nhiều người có thói quen sử dụng rượu bia thường xuyên. Các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc…. cũng là một trong những nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư gan.
Kiểm soát viêm gan B, C tiến triển thành ung thư như thế nào?
Giải thích về cơ chế viêm gan virus B, C tiến triển thành ung thư, BS Vân cho biết, hai căn bệnh này được ví như "sát thủ thầm lặng" vì nó cứ âm thầm gây ra các tác động nguy hại cho sức khỏe.
"Virus viêm gan B, C làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào gan ác tính trong suốt thời gian diễn biến từ viêm gan cho đến xơ gan. Biến chứng ung thư thường xảy ra trong vòng 10 năm sau khi bị xơ gan", BS Vân nói.
Tuy nhiên, biến chứng này chỉ đến sớm khi bệnh nhân virus viêm gan B, C không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả. Theo ước tính, từ khi nhiễm Viêm gan B, C đến khi hình thành ung thư là 20 đến 30 năm.
Vì thế, chuyên gia khuyến cáo, mọi bệnh nhân viêm gan virus B, C cần phải được điều trị, theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Việc điều trị viêm gan B là kéo dài suốt đời, bệnh nhân cần tái khám, theo dõi theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân sốt ruột, không tuân thủ điều trị, bỏ thuốc... gây các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như suy gan cấp, xơ gan cổ chướng, ung thư gan.
Ung thư gan có thể phát hiện sớm nhờ sàng lọc
Theo chuyên gia Bệnh viện K, nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư gan thường phát hiện ở giai đoạn muộn, là do bệnh không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn sớm.
Ở giai đoạn đầu, ung thư gan thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Có những bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng chán ăn; đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; trướng bụng, vàng da, củng mạc mắt… nhưng thường bị bỏ qua.
Đến khi bệnh biểu hiện nặng hơn, bệnh nhân mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, bụng trướng, nước tiểu sẫm màu, vàng da, sụt cân không rõ nguyên nhân... đến viện khám, khối u đã lớn, thậm chí di căn.
Vì thế, việc tầm soát chủ động rất có ý nghĩa phát hiện sớm căn bệnh này. Cách đơn giản, không độc hại là tầm soát bằng siêu âm gan ít nhất mỗi 6 tháng/lần đối với người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm gan virus B, C, …). Các bác sĩ có thể phát hiện được các khối u tương đối nhỏ.
Khi nghi ngờ có ung thư gan, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính đa dãy có tiêm thuốc cản quang, sinh thiết gan…
Trong trường hợp khối u cư trú ở giai đoạn sớm, phẫu thuật có thể giải quyết được triệt để và bệnh nhân có thể sống thêm nhiều năm mà không tái phát, có những bệnh nhân điều trị ổn định 5-30 năm, có thể đánh giá là khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, hãy phòng nguy cơ lây nhiễm các bệnh viêm gan virus, bằng cách tiêm ngừa vắc xin viêm gan B; hạn chế bia rượu; ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thể thao đều đặn.
Ung thư gan chữa được nếu phát hiện sớm. Có rất nhiều cách chữa trị như phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u, ghép gan, nút mạch gan bằng hóa chất, xạ trị, hóa trị...