Tiếp thị sữa công thức "bủa vây" các bà mẹ và nhân viên y tế

Hồng Hải

(Dân trí) - Không chỉ "nhắm" đến các bà mẹ từ giai đoạn mang thai, quảng cáo với nội dung "bóng bẩy và dễ gây hiểu lầm", các công ty sữa cũng chọn nhân viên y tế là đối tượng, công cụ chính để tiếp thị sữa.

Nhiều rào cản nuôi con bằng sữa mẹ

Chia sẻ tại sự kiện "Cùng hành động để hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ" diễn ra ngày 7/8, do UNICEF và WHO đồng tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam khẳng định vai trò không thể thay thế của sữa mẹ với trẻ nhỏ.

Tiếp thị sữa công thức bủa vây các bà mẹ và nhân viên y tế - 1

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam khẳng định, sữa mẹ có hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời, là "siêu thực phẩm", là thức ăn duy nhất trẻ sơ sinh cần trong vòng 6 tháng đầu đời (Ảnh: H.Hải).

"Sữa mẹ có hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời, là "siêu thực phẩm", là thức ăn duy nhất trẻ sơ sinh cần trong vòng 6 tháng đầu đời. Trẻ không được bú sữa mẹ có nguy cơ tử vong trước khi tròn một tuổi cao gấp 14 lần so với trẻ được bú mẹ hoàn toàn.

Nuôi con bằng sữa mẹ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm khuẩn đe dọa đến tính mạng, hỗ trợ sự phát triển trí não khỏe mạnh ở trẻ, ngăn ngừa bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ và mẹ. Tất cả những điều đó giúp làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe", bà Rana Flowers khẳng định.

Bên cạnh những khó khăn trong lựa chọn sữa do bị "bủa vây" bởi các thông tin ưu việt về sữa công thức, theo bà Rana, thêm một rào cản khiến chị em khó thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, đó là môi trường làm việc không hỗ trợ nhiều các bà mẹ thực hiện vai trò này.

Theo bà Rana Flowers, việc cho con bú sữa mẹ tự nhiên không đơn giản ngay từ đầu mà cần sự nỗ lực và trải qua rất nhiều khó khăn.

"Rất nhiều người, họ vừa làm việc, vừa lao vào nhà vệ sinh vắt sữa, với cảm giác thất vọng, căng thẳng, xấu hổ, cảm thấy nghi ngờ lựa chọn của mình… Đó là trải nghiệm không phụ nữ nào nên trải qua", bà Rana Flowers nói.

Bà cũng chia sẻ câu chuyện của mình, về việc nuôi hai con sinh đôi bằng sữa mẹ hoàn toàn đến 12 tháng tuổi. Bởi dù rất khó khăn, nhưng nơi bà làm việc (UNICEF) có hỗ trợ phòng vắt sữa, bà đã nuôi con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài đến 12 tháng tuổi.

"Chúng ta cần khích lệ để chị em nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau đó tiếp tục bú mẹ đến ít nhất 2 tuổi, để trẻ nhận được nguồn dinh dưỡng tốt lành nhất, vừa bảo vệ người mẹ, giúp mẹ giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường túyp 2, ung thư vú, buồng trứng, trầm cảm sau sinh...", Trưởng đại diện UNICEF chia sẻ.

Tại Việt Nam, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết, chúng ta có bước tiến lớn trong việc tăng tỉ lệ trẻ sơ sinh được bú mẹ, tuy nhiên, cũng có nhiều tồn tại.

Tiếp thị sữa công thức bủa vây các bà mẹ và nhân viên y tế - 2

Các bà mẹ cùng cho con bú tại một sự kiện hưởng ứng nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam (Ảnh: H.Hải).

Tỉ lệ bú mẹ đã tăng lên qua các năm, nhưng đến nay, chỉ khoảng 1/2 số trẻ được bú mẹ trong 6 tháng đầu đời. Đến nay chỉ có 66,5% trẻ em được bú mẹ đến năm một tuổi. Con số này qua nhiều năm không tăng trưởng. Đặc biệt tỷ lệ tỷ lệ bú sớm ngay trong giờ đầu hiện giảm 3% còn 23,5 % so với 2014.

"Nghị định 145 quy định phải có phòng vắt sữa trữ sữa mẹ, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng nhiều nơi mang tính hình thức. Liệu có tạo điều kiện cho bà mẹ có thời gian để vắt sữa không? Thậm chí thói quen, ngoài ra sữa công thức quảng cáo tiện dụng", ông Tuấn nói.

Tiếp thị sữa "bủa vây" cả bà mẹ và nhân viên y tế

Bà Rana Flowers đánh giá, ngành công nghiệp sữa đang nhắm vào phụ nữ, quảng cáo sữa công thức như một giải pháp trao quyền cho mẹ đi làm. Những tuyên bố sai lệch về sữa công thức… làm ảnh hưởng tâm lý, quyết định của các bà mẹ trong việc lựa chọn sữa cho trẻ.

Ngoài ra, kênh và chiến lược tiếp thị sữa công thức ngày càng phổ biến và tràn lan. Tại Việt Nam, các bà mẹ chủ yếu thấy quảng cáo sữa qua ti vi với 86%, tiếp đó là qua mạng xã hội, và nhiều hình thức khác như quà tặng, khuyến mãi, giảm giá.

Mới đây, báo cáo toàn cầu của WHO đã tiết lộ nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức sai lệch ở Việt Nam, trong đó thường bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ.

Tiến sĩ Juliawati Untoro, Trưởng nhóm Dinh dưỡng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Khu vực Tây Thái Bình Dương cho rằng, việc tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng đến quyết định nuôi dưỡng trẻ tại. 

"Nhà sản xuất, bán hàng đã sử dụng thông điệp tiếp thị "bóng bẩy và dễ gây hiểu lầm". Họ sử dụng hình ảnh, tuyên bố sai lệch về khoa học, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ như dưỡng chất HMO và DHA", Tiến sĩ Juliawati Untoro nói.

Sữa công thức thường được giới thiệu như một giải pháp thuận tiện và tăng cường hỗ trợ cho các bà mẹ đi làm trở lại.

Thậm chí, họ tuyên bố các loại sữa chuyên biệt có thể giải quyết được các vấn đề phổ biến ở trẻ sơ sinh như đau bụng, trào ngược, quấy khóc mặc dù không có đủ bằng chứng về hiệu quả. Họ còn giới thiệu các sản phẩm cho những trẻ bị dị ứng/nhạy cảm, điều này có giá trị thúc đẩy kinh doanh, tăng bán hàng.

Những chiêu tiếp thị này tác động trực tiếp đến các bà mẹ, ảnh hưởng trong việc họ lựa chọn hình thức nuôi con. Kết quả nghiên cứu cho thấy tại Việt Nam, 82% bà mẹ biết về sữa công thức giai đoạn 2 (trẻ ở độ tuổi 6-12 tháng) và 96% trong đó cho rằng sữa công thức là cần thiết.

Không chỉ "nhắm" đến các bà mẹ từ giai đoạn mang thai, các công ty sữa cũng nhắm vào cán bộ y tế, lựa chọn họ là đối tượng, công cụ chính để tiếp thị sữa.

Theo đó, các hãng sữa sử dụng cán bộ y tế để tạo sự tin tưởng, uy tín khi tiếp thị sữa, sẵn sàng trả hoa hồng, tổ chức hội nghị, đào tạo, tài trợ cho nghiên cứu, hàng hóa, quà tặng và chi trả các chuyến đi quảng bá sản phẩm.

Tại Việt Nam, nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ cấm quảng cáo sữa công thức cho trẻ dưới 24 tháng và yêu cầu ghi nhãn, thông tin, giáo dục và quảng cáo phù hợp. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách còn nhiều khó khăn, do chưa có đủ cơ chế xử phạt.

"Để tăng tỉ lệ cho trẻ bú sữa mẹ, thực hành đúng bú sữa mẹ theo độ tuổi, chúng ta cần tạo môi trường thuận lợi cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, trong hệ thống y tế và nơi làm việc, và nghỉ thai sản và nghỉ chăm con; giám sát thực hiện Nghị định 100, tăng cường truyền thông...", ông Tuấn nói.

Tiếp thị sữa công thức bủa vây các bà mẹ và nhân viên y tế - 3

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết, chúng ta có bước tiến lớn trong việc tăng tỉ lệ trẻ sơ sinh được bú mẹ, tuy nhiên, cũng có nhiều tồn tại (Ảnh: H.Hải).

Đến nay, Việt Nam đã có 70 bệnh viện đăng ký và 34 bệnh viện được công nhận thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc; tỷ lệ nhân viên y tế tư vấn sữa công thức và vi phạm quảng cáo, tiếp thị trong khuôn viên bệnh viện đã giảm đáng kể.

Việt Nam cũng đã có 5 ngân hàng sữa mẹ đầy đủ tính năng và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh, đã thu nhận sữa từ 975 bà mẹ hiến tặng, cung cấp 47.860 lít sữa mẹ thanh trùng cho 25.790 trẻ. 

Trung bình mỗi năm mạng lưới nhu nhận sữa từ 350 bà mẹ hiến tặng, cung cấp 9.300 lít sữa mẹ thanh trùng cho hơn 18.000 trẻ, đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu trên toàn quốc.