Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động

(Dân trí) - Ngày 16/10, BV Việt Đức chính thức đưa vào sử dụng ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam, nhằm dự trữ nhiều mô quan trọng như mảnh xương sọ, gân, van tim, mạch máu, tinh trùng...

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, trên thế giới, nhu cầu về lưu trữ, bảo quản các mô và tổ chức cũng hết sức quan trọng do nhu cầu sử dụng trong điều trị là rất lớn. Tại Mỹ hàng năm có trên 350.000 đơn vị mô được sử dụng, trong giai đoạn 1992-2007 có hơn 2.000.000 đơn vị xương được ghép.

Tại Châu Á, Nhật Bản trong 04 năm có 134.782 đơn vị mô xương; Đài Loan năm 2016 có 86.000 đơn vị mô xương được ghép.

Tại Việt Nam, cho đến nay đã có gần 14.000 mô xương sọ được bảo quản tại Lab. Số lượng ca phẫu thuật ghép xương và gân đồng loại trong cả nước gần một nghìn ca mỗi năm. Ngay tại khoa phẫu thuật chi dưới - bệnh viện Việt Đức, trong 8 năm (từ 2011 đến nay), đã mổ ghép xương đồng loại bảo quản cho 120 bệnh nhân và mổ nội soi tái tạo dây chằng khớp gối sử dụng mảnh ghép gân đồng loại cho 263 bệnh nhân. Tại Trung tâm phẫu thuật thần kinh hàng năm hàng nghìn ca ghép mảnh xương sọ.

Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - 1

Trong khi đó, Việt Nam chưa có ngân hàng mô chính thống. Một số cơ sở đã nghiên cứu bảo quản được một số mô và có ứng dụng lâm sàng như xương, gân (Đại học Y Hà Nội), da, xương (Viện bỏng Quốc gia), mảnh mô xương sọ ghép tự thân, xương ghép đồng loại (Đại học Y Phạm Ngọc Thạch).

“Rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép gân, xương đồng loại. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài rất đắt đỏ và không sẵn có. Nhu cầu bệnh nhân cần ghép van tim, mạch máu hàng năm đều lên tới hàng nghìn ca, nhưng nguồn nguyên liệu cũng đều phải nhập từ nước ngoài”, PGS Giang cho biết.

Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đầu tiên trên cả nước với hàng chục nghìn ca đại phẫu được thực hiện hàng năm, trong đó ghép tạng, ghép van tim, mạch máu, ghép xương, gân trong chấn thương chỉnh hình...là những mũi nhọn đi đầu của bệnh viện.

Nhu cầu bảo quản van tim, mạch máu, vật liệu gân, xương đồng loại, bảo quản mô xương sọ…là rất lớn. Với nguồn cung không phải là ít từ những trường hợp người cho chết não, những phần chi thể cắt cụt của người hiến tặng, nếu được thu nhận và qua quá trình xử lý, bảo quản đúng tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân có nhu cầu.

Vì vậy, sự ra đời của ngân hàng mô là một nhu cầu cấp bách và thực sự cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng đòi hỏi ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu tại bệnh viện Việt Đức nói riêng và cả nước nói chung.

Cho đến nay ngân hàng mô của Bệnh viện Việt Đức là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác. Đến nay, ngân hàng mô đã bảo quản gần 1,000 mảnh xương sọ, hơn 300 trong số đó đã ghép lại cho người bệnh, hàng trăm mẫu tinh trùng, mô tinh hoàn đã được bảo quản. Việc bảo quản van tim, gân, mạch máu cũng đang được hoàn thiện kỹ thuật thực hiện.

Ngân hàng sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, cung ứng mô cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học, sản xuất cung ứng trao đổi mô với các ngân hàng khác, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm mục đích khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Cũng trong lễ ra mắt ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam, GS Trần Bình Giang vui mừng thông báo bệnh viện được Bộ Công an trao tặng khoảng 5 tỷ đồng từ Quỹ nghĩa tình đồng đội của ngành công an để bệnh viện trang bị các hộp đựng tạng chuyên dụng.

Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - 2

Với số tiền này BV đã đầu tư 6 thùng đựng tạng chuyên dụng và các thiết bị chuyên biệt trang bị cho ngân hàng mô. Ngay khi trang bị các hộp đựng tạng đã phát huy tác dụng chuyển tim từ Bệnh viện Việt Đức để ghép tim cho người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế, góp phần quyết định cứu sống người bệnh và chuyển giao kỹ thuật ghép cho các đồng nghiệp.

Hồng Hải