Ngậm móc khóa trong miệng, cậu bé gặp họa khi chơi cùng em

Vân Sơn

(Dân trí) - Đang ngậm chiếc móc khóa trong miệng chạy đùa với em, cậu bé 5 tuổi bất ngờ ho sặc. Hơn 2 tháng sau, chiếc móc khóa kim loại đã gây xẹp phổi, đe dọa tính mạng bệnh nhi.

Đó là trường hợp của bé N.K.H. (5 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM. Thời điểm bệnh nhi nhập viện, bác sĩ ghi nhận, bé có biểu hiện khó thở, khò khè.

Ngậm móc khóa trong miệng, cậu bé gặp họa khi chơi cùng em - 1

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng phổi phải có dị vật cản quang. 

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, khoảng 2 tháng trước bệnh nhi có biểu hiện ho nhiều, cha mẹ đã đưa đi kiểm tra nhiều nơi nhưng không rõ nguyên nhân. Cơ sở y tế tuyến dưới chẩn đoán bé bị viêm hô hấp nhưng điều trị bằng thuốc không thuyên giảm. Gần đây, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ngày càng xấu, bé khó thở, có biểu hiện tức ngực.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị dị vật đường thở nên cho bé thực hiện X-quang ngực. Kết quả cho thấy, trong đường thở của bệnh nhi có hình ảnh dị vật cản quang nằm ở vị trí thùy dưới của phổi bên phải.

BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết: "Sau khi hội chẩn, chúng tôi quyết định thực hiện nội soi gắp dị vật cho bệnh nhi. Tuy nhiên, khi thiết bị nội soi chuyên dụng tiếp cận được dị vật thì ghi nhận trên hình ảnh camera đây là dị vật kim loại bám rất chắc, khó có thể lấy ra được. Nếu dị vật đã xuyên qua thành phổi hoặc xuyên vào trung thất việc rút dị vật ra ngoài qua nội soi có thể khiến bệnh nhi tử vong ngay trong phòng mổ vì tràn khí hoặc xuất huyết ào ạt".

Ngậm móc khóa trong miệng, cậu bé gặp họa khi chơi cùng em - 2

Các bác sĩ đã thực hiện cùng lúc 2 phương pháp can thiệp phẫu thuật lấy thành công chiếc móc khóa trong phổi bệnh nhi.

Ngay lập tức, phương pháp phẫu thuật nội soi được quyết định ngừng lại. Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn và quyết định phối hợp liên chuyên khoa, thực hiện cuộc mổ hở kết hợp với nội soi để lấy dị vật cho bệnh nhi.

BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ: "Đây là dạng dị vật bỏ quên lâu ngày trong đường thở, đã gây viêm nhiễm nặng. Mặt khác, dị vật nằm lâu ở khu vực khá nguy hiểm nguy cơ thủng phế quản (thủng bít) nếu dị vật ăn vào các mạch máu sẽ gây vỡ mạch máu, tràn khí, thủng tim, trong trường hợp phẫu thuật viên cố gắng kéo dị vật ra ngoài bằng nội soi mà không lường trước được những rủi ro, chúng tôi có thể mất bệnh nhi".

Các bác sĩ ngoại khoa đã tiến hành mở lồng ngực bệnh nhi, tiếp cận với vị trí dị vật trong đường thở sẵn sàng xử lý cho mọi tình huống xấu nhất trong trường hợp dị vật đã xuyên thủng phổi, tim, mạch máu. Cùng lúc đó, các bác sĩ nội soi đã tiếp cận với dị vật, bằng dụng cụ chuyên dụng, dị vật là chiếc móc khóa có cạnh sắc nhọn đã được gắp ra ngoài thành công.

Sau nội soi, sức khỏe bệnh nhi đang bình phục tốt, vùng phổi bị xẹp đã nở tốt. Tuy nhiên, qua kiểm tra hậu phẫu, bác sĩ ghi nhận, vị trí tổn thương do dị vật bị xơ, nguy cơ gây hẹp đường thở. Bệnh nhi đang được theo dõi, chỉ định tái khám định kỳ để xử lý các nguy cơ có thể xảy ra.

Ngậm móc khóa trong miệng, cậu bé gặp họa khi chơi cùng em - 3

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi đã bình phục tốt, bé đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.

Khi sức khỏe đã bình phục, bệnh nhi hồn nhiên nhớ lại: "Hôm đó con ngậm nó (móc chìa khóa) trong miệng rồi chơi trò rượt đuổi với em thì bị rơi vào bụng". Tình huống tai nạn xảy ra với con khiến người mẹ bàng hoàng, chị cúi đầu cảm ơn các bác sĩ đã cứu mạng con mình.

Từ trường hợp trên, BS Tuấn Như cho biết: "Dị vật đường thở là tai nạn khá phổ biến ở trẻ em, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 đến 40 trường hợp, trong đó đa phần các ca bệnh nặng là dị vật bỏ quên. Trẻ em thích khám phá cơ thể của mình bằng mọi giác quan nhưng chưa lường trước được những nguy hiểm. Ở các nước phát triển, đồ chơi cho trẻ em được phân chia cụ thể theo lứa tuổi nhưng tại Việt Nam vấn đề này chưa được quan tâm nên đang để lại những hậu quả nặng nề".

Để tránh những tai nạn tương tự, BS Tuấn Như khuyến cáo các bậc phụ huynh, tuyệt đối không cho trẻ chơi những món đồ quá nhỏ có thể bỏ lọt vào miệng hoặc những lỗ tự nhiên trên cơ thể. Mặt khác, các bậc cha mẹ không nên ép con ăn khi bé đang khóc vì nguy cơ bị sặc thức ăn có thể gây tổn thương phổi. Khi trẻ có biểu hiện khó thở, khò khè, ho kéo dài… cần đưa đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám phát hiện dị vật, can thiệp kịp thời.