1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ hóc dị vật: Tai nạn phổ biến ngày tết

Ngày tết, các loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dương… là thủ phạm gây ra những tai nạn dị vật đáng tiếc cho trẻ. Hóc sặc là loại cấp cứu phải được xử trí nhanh, thân nhân không nhận biết sớm để trẻ bị ngưng thở lâu thì tử vong là khó tránh.

Người lớn luôn phải lưu ý khi trẻ ở gần thức ăn dạng hạt. Ảnh: Andy

Người lớn luôn phải lưu ý khi trẻ ở gần thức ăn dạng hạt. Ảnh: Andy

 

Bé trai N.T.Đ., 19 tháng tuổi, nhà ở TP.HCM nhập viện bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng đã ngưng thở đang được bóp bóng giúp thở. Bé bị ho sặc sụa trong lúc đang chơi, tím tái, ngưng thở, được đưa tới cơ sở y tế tư sơ cứu rồi chuyển đến Nhi Đồng 1. Chụp X-quang, các bác sĩ thấy một bên phổi bị xẹp. Phải nội soi cấp cứu mới lấy ra được dị vật nằm bít phế quản gốc bên trái gây xẹp phổi là một hạt hướng dương.

 

Cách nhận biết trẻ bị dị vật đường thở

 

Cần lưu ý khi trẻ đang ăn uống hay ngậm chơi những đồ vật nhỏ thì đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái. Tình trạng hít sặc có thể chỉ thoáng qua như trẻ ho vài tiếng, tím nhẹ rồi tự hết, nhưng có những trường hợp trẻ tím tái nặng, ngưng thở và tử vong. Nếu dị vật bít một phần đường thở, trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay. Cơn ho này kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác, sau đó trẻ trở lại bình thường, thỉnh thoảng xuất hiện những đợt ho sặc tương tự, rất dễ tử vong trong giai đoạn này. Nếu không phát hiện được tình huống điển hình như trên, nhiều ngày sau trẻ thường nhập viện vì tình trạng viêm phổi tái phát kéo dài, hoặc ápxe phổi do có dị vật đường thở bị bỏ quên.

 

Xử trí thế nào?

 

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và gắp dị vật ra. Trong lúc đi, để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng. Không can thiệp vì di chuyển, dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột. Nếu trẻ ngưng thở hoặc khó thở nặng, thực hiện ngay thao tác vỗ lưng, ấn ngực để trẻ không bị ngạt thở. Trẻ lớn làm thủ thuật Heimlich để tống dị vật ra ngoài, sau đó đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất:

 

Trẻ nhỏ dưới một tuổi: đặt nằm đầu thấp, úp mặt trên cánh tay. Dùng bàn tay kia vỗ năm cái mạnh và nhanh vào lưng giữa hai vai bé. Nếu vỗ lưng không kết quả, lật ngửa trẻ lên, đặt hai ngón tay trên nửa dưới của xương ức ấn ngực năm lần. Có thể thực hiện 6 – 10 lần thủ thuật này.

 

Trẻ lớn còn tỉnh: người làm cấp cứu đứng phía sau hoặc quỳ tựa gối vào lưng trẻ, vòng hai tay ngang thắt lưng, đặt một nắm tay giữa bụng ngay dưới mấu kiếm xương ức, bàn tay còn lại đặt chồng lên. Kéo mạnh đột ngột, hướng vào trong và lên trên để tạo một sức ép lên bụng, làm động tác này năm lần.

 

Trẻ lớn hôn mê: đặt trẻ nằm ngửa, người cấp cứu quỳ gối, đặt hai bàn tay chồng lên nhau vùng dưới xương ức trẻ, đột ngột ấn mạnh, nhanh năm lần hướng vào trong và lên trên.

 

Nếu nghi ngờ trẻ nuốt phải vật lạ, không móc họng gây ói mà nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị thích hợp, kịp thời.

 

Theo ThS.BS Lý Kiều Diễm

Khoa nội tổng quát 2

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM