Nên kiêng làm "chuyện ấy" trước khi tầm soát ung thư cổ tử cung

(Dân trí) - Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Việc tầm soát sẽ góp phần phát hiện sớm ung thư, điều trị hiệu quả. Vậy chị em sẽ được làm những gì khi tầm soát và cần chuẩn bị như thế nào?

Khi có các biểu hiện như: Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu; Ra máu âm đạo bất thường; Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục; Đau tức vùng bụng dưới; Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng… cho thấy dấu hiệu của ung thư cổ tử cung cần đến viện ngay.

Tuy nhiên, trước khi có các dấu hiệu này, việc khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sỹ, cùng với tiêm phòng vắc xin sẽ góp phần phòng tránh, phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bạn phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Để tầm soát ung thư cổ tử cung, bệnh nhân đầu tiên sẽ được khám phụ khoa. Tiếp đó thực hiện soi cổ tử cung (giúp phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung).

Bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm Pap smear và HPV. Trong đó, xét nghiệm Pap được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm rất đơn giản để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.

ungthucotucung.jpg

Xét nghiệm HPV: rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Bởi vi rút HPV là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.

Chị em cũng được sinh thiết cổ tử cung khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap smear có tế bào bất thường.

Ngoài ra các xét nghiệm khác: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu…cũng được thực hiện.

Để việc tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất, các chuyên gia BV K khuyến cáo, chị em phụ nữ nên đến viện thăm khám, làm xét nghiệm này trong lúc không có kinh nguyệt.

Khoảng 2 ngày trước khi thử Pap không bôi kem hay đăt thuốc vào âm đạo.

Không nên sinh hoạt tình dục trong vòng 1 -2  ngày trước khi thử Pap.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Vì thế, chị em phụ nữ nên quan tâm đển những biểu hiện bất thường, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mình, thường xuyên thăm khám phụ khoa để phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm