Nắng nóng, trẻ nhỏ quay cuồng vì bệnh tiêu chảy

(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng kéo dài gây ra nhiều nguy cơ khiến trẻ em đối mặt với các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó tiêu chảy là bệnh nguy hiểm. Chăm sóc trẻ kỹ lưỡng bằng vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống chín được bác sĩ khuyến cáo là giải pháp phòng bệnh hiệu quả.

Trẻ tiêu chảy nhập viện tăng vọt

Gần hai tuần qua, tại khu vực Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng nhiệt độ luôn duy trì ở mức cao từ 36 - 38oC vào ban ngày và 28 - 32oC về ban đêm. Nền nhiệt ở mức cao khiến không khí trở nên ngột ngạt đang tạo điều kiện cho các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát triển, tấn công mọi lứa tuổi trong đó đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là trẻ em. Một trong những loại bệnh truyền nhiễm thường gây nguy hiểm lớn cho trẻ trong mùa nắng nóng là bệnh tiêu chảy.

Ngồi bên giường bệnh của cậu con trai hơn 3 tuổi, đang lên cơn sốt, làn da xanh nhợt vì nhiều ngày tiêu chảy cấp, chị Nguyễn Thị Nh. (ngụ tại quận Bình Tân) cho hay: “Thằng bé mới nhập viện được một ngày, tình trạng đi cầu ra phân lỏng có dịch nhầy lẫn máu tuy có giảm nhưng cháu còn rất mệt. Không xác định được nguyên nhân gây bệnh cho con nhưng chị Nh. cho biết hai vợ chồng đi làm nên gia đình thuê người giúp việc, trước khi vào viên hai ngày cháu bé đã đi cầu phân lỏng liên tục.

Trẻ trong độ tuổi ăn dặm là đối tượng rất dễ bị tiêu chảy
Trẻ trong độ tuổi ăn dặm là đối tượng rất dễ bị tiêu chảy

Tiêu chảy là loại bệnh xảy ra quanh năm nhưng khi mùa nóng kéo dài thì số trẻ mắc bệnh cũng gia tăng. Theo số liệu từ khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi Đồng 1, trong 3 tuần qua bệnh tiêu chảy đã rục rịch gia tăng. Thời điểm bình thường chỉ có khoảng 60 đến 70 bệnh nhân nhập viện thì hiện tại bệnh đang ở mức 70 - 90 ca tiêu chảy điều trị nội trú. Riêng trong ngày 14/4, tại khoa có 180 ca bệnh thì 80 bệnh nhi trong số đó bị tiêu chảy, độ tuổi mắc bệnh tập trung chủ yêu ở nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi.

Phân tích chuyên môn của BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa cho thấy, bệnh tiêu chảy với các dạng nặng là kiết lỵ, tiêu đàm máu thường khiến trẻ bị mất nước rất nhanh, nếu không được bù nước kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ vào sốc dẫn tới tử vong. Tiêu chảy được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm bệnh gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 5 tuổi. Đây là bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi rút, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây ra, bệnh lây qua đường phân miệng nên nguyên nhân mắc thường là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Thời tiết nắng nóng được xem là nguyên nhân tiếp sức cho bệnh tiêu chảy gia tăng cao hơn bởi nguồn thực phẩm bảo quản dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu gây hại cho hệ tiêu hóa. Đối với trẻ nhỏ, nắng nóng khiến cơ thể mất nước cần phải bù liên tục. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không có sự để mắt của người lớn trẻ thường ăn “tạp nham”, uống bất kỳ thứ nước nào tìm được để giải cơn khát. Mặt khác, trẻ chưa tự giữ vệ sinh cá nhân, thường hay mút tay nên chỉ cần tiếp xúc với mầm bệnh, nguy cơ mắc tiêu chảy rất cao.

Cùng với bệnh tiêu chảy nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác cũng đang phát triển trong mùa nắng nóng
Cùng với bệnh tiêu chảy nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác cũng đang phát triển trong mùa nắng nóng

Đừng cho trẻ dưới 5 tuổi uống thuốc cầm tiêu chảy

Qua thực tế khai thác bệnh sử và tìm hiểu cách chăm sóc trẻ của phụ huynh trước khi đưa con đến bệnh viện, BS Hoàng Lê Phúc cho biết, hiện nay nhiều phụ huynh đang áp dụng phương pháp chăm sóc trẻ bị tiêu chảy không đúng cách. Người nhà cho trẻ nhịn ăn vì nghĩ rằng nhịn ăn sẽ hết tiêu chảy. Bản chất của bệnh là do siêu vi, vi trùng tấn công vào niêm mạc, muốn tái tạo niêm mạc cơ thể trẻ cần phải được cung ứng đủ năng lượng. Mặt khác, trẻ cần dinh dưỡng để phát triển thể chất, nếu không cho bé ăn hoặc hạn chế ăn khi mắc tiêu chảy chẳng những không thể giúp bệnh nhẹ đi mà còn khiến cho trẻ bệnh nặng thêm, gây suy dinh dưỡng sau điều trị.

Bên cạnh đó, không ít người nhà thấy trẻ tiêu chảy cấp thường nôn nóng yêu cầu ngay lập tức phải chấm dứt tình trạng này nên cho bé uống thuốc cầm tiêu chảy. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo và chống chỉ định loại thuốc này với trẻ dưới 5 tuổi vì chất thải đường ruột bị chặn lại không thoát được ra ngoài có thể gây thủng ruột bệnh nhi.

Khẳng định hơn 90% trẻ mắc tiêu chảy có thể xử trí tại nhà, BS Hoàng Lê Phúc khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý 3 nguyên tắc gồm: trẻ phải uống nhiều hơn để ngừa mất nước; bé phải ăn nhiều hơn để có sức, mau lành bệnh phục hồi niêm mạc và tăng trưởng; những trường hợp bé có sốt cao khó hạ, đi tiêu phân có máu, tiêu chảy chuyển sang kiết lỵ, trẻ khát nước nhiều, uống nước liên tục, khóc không có nước mắt, trẻ li bì khó đánh thức, bị co giật thì nên đưa đến có sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ cơ thể chỗ ăn ngủ, vui chơi, đồ trẻ chơi… bác sĩ khuyến cáo giải pháp hiệu quả phòng bệnh tiêu chảy là ăn chín, uống chín. Ngoài ra, cha mẹ nên thực hiện đầy đủ việc chích ngừa cho trẻ, trong đó có vắc xin ngừa tiêu chảy để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Vân Sơn