1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nắng nóng lan rộng ở miền Bắc: Coi chừng bệnh nguy hiểm

Minh Ngọc Thảo Vy

(Dân trí) - Say nắng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ cao do tác động của nắng nóng hoặc hoạt động thể lực quá mức, thường đi kèm với mất nước.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng tiếp tục gia tăng ở nhiều nơi tại miền Bắc kéo dài đến cuối tuần này. Khu vực tái diễn kiểu thời tiết mưa dông về đêm, oi nóng ban ngày.

Trong những ngày thời tiết nắng nóng, nếu không biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, người dân rất dễ gặp phải tình trạng say nắng. 

Biểu hiện của người bị say nắng

Theo Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như: thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng và/hoặc các hoạt động thể lực quá mức.

Nắng nóng lan rộng ở miền Bắc: Coi chừng bệnh nguy hiểm - 1

Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat stroke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (Ảnh: Getty).

Nguyên nhân gây ra hiện tượng say nắng là do tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ cao kèm theo việc mất nước. Nếu ở khu vực đô thị, càng dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài do thiếu gió, chất lượng không khí kém, nhựa đường bị đốt cháy...

Sốc nhiệt thường vào thời điểm giữa trưa trời nắng nóng gay gắt, và có nhiều tia tử ngoại, kết hợp với làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém.

- Các dấu hiệu nhẹ ban đầu: Nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

- Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: Tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm: thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê.

Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây rối loạn điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, tiểu ra máu...) do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Cách xử trí khi gặp người bị say nắng 

Khoảng thời gian một giờ sau khi bị say nắng ở mức độ nặng được gọi là "thời điểm vàng" để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường.

Theo chuyên gia, khi gặp người bị say nắng chúng ta phải thực hiện ngay các bước như sau:

- Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát…) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ.

- Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch.

- Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể.

- Đo nhiệt độ cơ thể (nếu có nhiệt kế).

- Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi (bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt).

- Đắp khăn lạnh hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ.

- Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được.

- Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân.

Một số biện pháp phòng tránh say nắng

- Hạn chế ra ngoài trong thời tiết nắng nóng: Thời điểm 11-15h là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất, nên hạn chế làm việc ngoài trời.

Trong trường hợp phải đi ra ngoài, bạn cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

- Uống thêm nước: Để tránh tình trạng mất nước, mọi người nên uống ít nhất 8 cốc nước (nước lọc, nước trái cây, hoặc rau) mỗi ngày. Vì các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, chúng ta có thể dùng nước uống thể thao giàu chất điện giải trong những ngày nhiệt độ lên cao.

- Không tắm bằng nước lạnh sau khi hoạt động ở vùng nắng nóng: Sau khi vừa vận động hay đi ngoài trời nắng về, nhịp tim vẫn còn nhanh, nhiệt độ cơ thể cao, lỗ chân lông giãn nở. Tắm ngay sẽ làm máu không lưu thông tới những bộ phận quan trọng trên cơ thể, dẫn tới tình trạng thiếu máu tim, não cục bộ. 

Nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt độ, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong cũng không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm