Nạn nhân “ôm” rắn đi cấp cứu đã khả quan, không còn thở máy

Vân Sơn Đăng Lê

(Dân trí) - Hiện bệnh nhân đã có tín hiệu khả quan, cai được máy thở, chức năng thận có tín hiệu tốt. Vùng hoại tử đã được cắt lọc chuẩn bị ghép da.

Chiều 28/8, thông tin với Dân trí, bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy (bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) đã thông tin về tình hình diễn biến hồi phục sức khoẻ của bệnh nhân Phan V. T. (48 tuổi, ngụ ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh).

Theo bác sĩ Duy (bệnh viện Chợ Rẫy), sau 10 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, tình trạng của bệnh nhân T. đã có tín hiệu khả quan, bệnh nhân đã tự thở mà không cần can thiệp thở máy và chức năng thở được đánh giá tốt, chức năng thận được cải thiện, đã ngừng lọc máu.

Nạn nhân “ôm” rắn đi cấp cứu đã khả quan, không còn thở máy - 1

Bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn đã cai được máy thở

Riêng vùng đùi bị rắn cắn (đã ngoại tử) đã được cắt lọc lần thứ 3.

Theo BS Duy, dù vùng đùi bệnh nhân bị hoại tử diện rộng nhưng may mắn khi vùng hoại tử chỉ tập trung ở da và lớp cơ dưới da, không gây tổn thương sâu. Dự kiến khi tình trạng tổn thương ổn định, bệnh nhân sẽ được thực hiện phương pháp ghép da tự thân để che phủ vị trí tổn thương. 

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, anh T. vẫn phải nằm tại Khoa Hồi sức cấp cứu thêm một thời gian để theo dõi các biến chứng nguy hiểm do nọc độc của rắn có thể xảy ra. Hiện bệnh nhân đã được truyền 15 lọ huyết thanh đặc hiệu kháng nọc độc rắn hổ chúa và thay huyết tương 2 lần. 

Nạn nhân “ôm” rắn đi cấp cứu đã khả quan, không còn thở máy - 2

Các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi để kịp thời phát hiện những biến chứng nguy hiểm do nọc độc có thể tái diễn

Như Dân trí thông tin, ngày 19/8 anh T. phát hiện con rắn lớn trong bụi rậm nên tiến hành vây bắt thì bị rắn cắn vào đùi phải. Sau đó anh T. nắm chặt phần đầu con rắn chạy ra đường nhờ người dân đưa đi cấp cứu. Khi đến bệnh viện, con rắn vẫn được anh T. nắm chặt, trong khi phần thân rắn quấn quanh tay nạn nhân. Nạn nhân ôm cả “hung thủ” vào bệnh viện cấp cứu chỉ vì muốn giữ lại, bán kiếm tiền cho con đi học.

Bác sĩ xác định đây là loài rắn hổ chúa có nọc kịch độc nên tiến hành truyền huyết thanh kháng nọc đặc hiệu, cấp cứu, hồi sức tích cực. 

Bệnh nhân đã tỉnh lại sau khi truyền 10 lọ huyết thanh nhưng sau đó lại rơi vào nguy kịch do nọc độc của rắn tấn công gây viêm cơ tim, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa bằng phương pháp lọc máu liên tục, cho bệnh nhân thở máy, điều trị nội khoa hồi sức giúp bệnh nhân từng bước vượt qua nguy kịch.

Được biết hoàn cảnh gia đình vợ chồng anh T. rất khó khăn. Gần 1 năm trước, người đàn ông này từng suýt mất mạng sau một vụ tai nạn giao thông khi đang trên đường đi phụ hồ. Tuy nhiên, di chứng thương tật ở đầu và chân đã khiến người đàn ông từng là trụ cột trong gia đình phải ở nhà trông 2 con (đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi).

Kể từ đó, gánh nặng cơm áo gạo tiền với 4 miệng ăn đè nặng lên vợ bệnh nhân. Thương vợ, anh T. tìm cách kiếm thêm thu nhập để phụ giúp vợ, nhất là ngày tựu trường cho đứa con lớn cận kề.

Cảm thương cho hoàn cảnh của vợ chồng anh T., đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ, ủng hộ hơn 400 triệu đồng để giúp anh T. điều trị và cho con đi học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm