Nằm viện thêm… bệnh
Trong điều tra mới nhất tỉ lệ nhiễm khuẩn tại năm bệnh viện của Hà Nội lên đến 10%. Bệnh nhân nằm viện dưới 7 ngày, tỉ lệ nhiễm khuẩn là 3,6%, trong khi nằm viện trên 7 ngày có nguy cơ cao gấp hàng chục lần (khoảng 41%).
Nhiễm khuẩn bệnh viện làm cho sức khỏe người bệnh bị đe dọa nhiều hơn, các chi phí khám chữa theo đó cũng tăng lên. Trung bình thời gian nằm viện của bệnh nhân bị nhiễm trùng vết mổ tăng thêm 12 ngày so với thông thường.
90% lây theo đường tiếp xúc
TS Nguyễn Việt Hùng, trưởng khoa chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong một nghiên cứu mới đây, tỉ lệ nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Bạch Mai là 6,75%.
Quan niệm phổ biến cho rằng nhiễm khuẩn bệnh viện là do không khí, đặc biệt những đợt dịch SARS, dịch cúm gia cầm khiến dư luận hoang mang. Song thực tế nhiễm khuẩn do không khí chỉ chiếm 10%, 90% nhiễm khuẩn bệnh viện lây theo đường tiếp xúc mà hầu hết là tiếp xúc bàn tay.
Do đó theo TS Hùng, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất là phải vệ sinh bàn tay sạch sẽ.
Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện dự án hợp tác đặc biệt với Viện Vệ sinh lao động Áo, đầu tư khoản kinh phí không nhỏ chỉ nhằm mục đích để nhân viên y tế biết... rửa tay đúng cách. Đó là biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn nguồn lây trong bệnh viện.
Chi phí điều trị cho nhóm đối tượng này cũng tăng trung bình 2,1 triệu đồng/ca. Riêng nhóm nhiễm khuẩn huyết chi phí điều trị tăng 2,7 triệu đồng/ca, trong đó chi phí cho kháng sinh là 1,4 triệu đồng.
Theo TS Hùng, đa số vi khuẩn gây nhiễm khuẩn nằm trên da người bệnh, khi thực hiện các thủ thuật, lượng vi khuẩn này sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể. Do đó, cần nhất là phải sát khuẩn, băng kín bệnh nhân trước khi mổ. Tuy nhiên thực tế hiếm khi bệnh nhân được tắm trước khi mổ, mà nếu tắm lại phải tắm trong nhà vệ sinh thì thà "không còn hơn".
Mổ nội soi nguy cơ cao hơn… mổ mở
Ông Hùng cho biết thêm trên lý thuyết mổ nội soi an toàn ít nguy cơ nhiễm khuẩn hơn mổ hở. Tuy nhiên, do tình trạng quá tải bệnh viện nên hiện tại nhiễm trùng vết mổ trong nội soi lại mang nguy cơ cao hơn.
Khi đưa ống dẫn nội soi vào nhiều "ngõ ngách" trong cơ thể, nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn khi bộ dụng cụ đó sẽ lại được quay vòng. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai thực hiện 10 ca nội soi, nhưng số bộ dụng cụ nội soi lại không đủ đáp ứng nhu cầu luân phiên theo tiêu chuẩn, thời gian quay vòng cũng bị rút ngắn nhiều.
Qui định ngâm hóa chất, sấy khô trong vòng một tiếng cho mỗi bộ dụng cụ nội soi dùng nhiều khi cũng không thể thực hiện được. Nhiều trường hợp kết luận nhiễm khuẩn bệnh viện, nhưng nguyên nhân chính lại là dị ứng hóa chất do dụng cụ... chưa được xả sạch. Tính riêng nội soi tiêu hóa, chỉ có 2-3 bộ dụng cụ nhưng lúc nào cũng có 50-70 người chờ được chẩn đoán nên thời gian ngâm rửa rất khó đáp ứng đúng yêu cầu.
Kết quả, nội soi tiêu hóa trong chẩn đoán nhiều khi lại làm lây thêm vi khuẩn gây viêm dạ dày, virus viêm gan... rất khó tiên lượng.
Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu mỗi bệnh viện đều phải thành lập đơn vị chống nhiễm khuẩn nhưng qui định cụ thể, sát với thực tế bệnh viện thì vẫn chưa có. Cho đến nay, yêu cầu về nguồn nhân lực thế nào, chi phí ra sao vẫn ở dạng “ẩn số”. Bệnh viện nào quan tâm thì đầu tư nhiều, không quan tâm thì bỏ ngỏ.
Thậm chí có bệnh viện chuyên về ngoại khoa ở miền Bắc, bộ phận tham gia công tác chống nhiễm khuẩn phần lớn là bán chuyên trách, bộ phận thường trực chỉ có ba người, trong đó một từ bộ phận hành chính chuyển sang, một vốn là bác sĩ phòng khám, còn lại là một... cựu nhân viên xoa bóp trị liệu của bệnh viện!
TS Nguyễn Việt Hùng cho hay ngay trong chương trình đào tạo của Trường ĐH Y cũng chưa có sự quan tâm tương xứng đến lĩnh vực này, mặc dù ai cũng biết nhiễm khuẩn liên quan đến tất cả các khâu khám, chữa bệnh ở mọi chuyên khoa.
Theo Ngọc Hà
Tuổi trẻ