Nam sinh 19 tuổi ở Hà Nội có khối u xương khổng lồ nặng 2kg

Hồng Hải

(Dân trí) - Khối u xương to trên phim CT khiến bác sĩ cũng ngỡ ngàng. "Tôi chưa từng gặp khối u to đến vậy. Khối u nằm ở vị trí tiểu khung, như người phụ nữ khi mang thai", GS.TS Trần Trung Dũng cho biết.

Sáng 20/9, GS.TS.BS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Y học Thể thao, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City thông tin về ca bệnh đặc biệt vừa được phẫu thuật thành công.

Bệnh nhân là chàng trai trẻ 19 tuổi ở Hà Nội. Cách đây nửa năm, cậu bắt đầu cảm thấy khó chịu vùng bụng, xuất hiện dấu hiệu tê bì vùng xương chậu, hạn chế vận động, dáng đi có biểu hiện bất thường.

Nam sinh 19 tuổi ở Hà Nội có khối u xương khổng lồ nặng 2kg - 1

Khối u xương khổng lồ được mô phỏng 3D, với kích thước lên tới 20cm trong tiểu khung người bệnh (Ảnh chụp mô hình 3D).

Cậu đi khám ở nhiều nơi, nhưng trên phim chụp X-quang đều không phát hiện bất thường, được chẩn đoán chấn thương nhẹ phần mềm do chơi thể thao.

"Khi bệnh nhân đến Vinmec, nhìn phim X-quang chúng tôi đã nghi ngờ có khối u. Việc phim chụp X-quang không phát hiện khối u là hoàn toàn bình thường, vì chụp X-quang không có cản quang, không phải bác sĩ chuyên ngành ung bướu, thường không nghĩ đến. Còn khi đã nghĩ đến, hình ảnh chụp CT sẽ thể hiện được khối u", GS Dũng thông tin.

Dù nghi ngờ bệnh nhân có khối u, nhưng hình ảnh chụp CT, MRI sau đó khiến bác sĩ ngỡ ngàng vì một khối u xương (u sụn) khổng lồ, nằm giữa vùng tiểu khung như vị trí người phụ nữ mang thai.

"Khối u có kích thước dài 20cm, bề ngang nhỏ nhất 13cm, có chỗ 16cm, bằng đúng một bài thai 9 tháng, to khổng lồ. Là một bác sĩ chuyên ngành ung thư xương, tôi chưa bao giờ thấy một khối u to đến vậy", GS Dũng bày tỏ.

Điều đặc biệt là khối u vùng tiểu khung to nhưng bụng bệnh nhân hầu như không to lên. 

GS Dũng cho biết, lúc đầu các bác sĩ e ngại không thể thực hiện ca phẫu thuật. Nhưng bệnh nhân có biến chứng bị chèn ép thần kinh tọa bên trái, khiến bệnh nhân tê bì teo cơ chân trái. Nếu chàng trai này không được điều trị kịp thời không những chân trái mất chức năng mà ngay cả tính mạng cũng bị đe dọa.

Nam sinh 19 tuổi ở Hà Nội có khối u xương khổng lồ nặng 2kg - 2

GS Trần Trung Dũng khám lại cho bệnh nhân trước thời điểm xuất viện (Ảnh: Hồng Hải).

Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn với hội đồng ung thư bệnh viện. Hội đồng có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài và các giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong nước về phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, tâm lý, dinh dưỡng… Hội đồng ung thư bệnh viện quyết định: Phẫu thuật triệt căn khối u.

"Khối ung thư xương cứng như hòn đá khổng lồ trong ổ bụng, làm sao lấy được hòn đá mà không làm tổn thương, rách ruột, tổn thương mạch máu thần kinh... nếu không bệnh nhân sẽ có nguy cơ biến chứng tử vong trên bàn mổ", GS Dũng nói.

PGS.TS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Tiết niệu cho biết, sự phối hợp đa chuyên ngành đã tạo nên kỳ tích cho ca mổ.

"Trước khi phẫu thuật, các phẫu thuật viên mạch máu đã phải tiến hành nút toàn bộ mạch máu nuôi u, phòng biến chứng chảy máu ồ ạt khi mổ có thể khiến người bệnh mất mạng. Bác sĩ tiết niệu phải giải phẫu niệu quản bàng quang ra khỏi khối u; bác sĩ tiêu hóa vào tách trực tràng ra khỏi u.

Sau đó, bác sĩ chuyên ngành xương mới tiến hành phẫu thuật lấy khối u. Ngày 13/9, sau ca mổ kéo dài hơn 8h đồng hồ đầy khó khăn, phức tạp với sự tham gia của ekip hơn 30 người gồm nhiều chuyên ngành, các bác sĩ đã lấy thành công khối u xương khổng lồ trong bụng nam sinh", PGS Huấn thông tin.

Nam sinh 19 tuổi ở Hà Nội có khối u xương khổng lồ nặng 2kg - 3

GS Trần Trung Dũng, PGS Phạm Đức Huấn thông tin về ca bệnh (Ảnh: Hồng Hải).

Sau 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại, sinh hoạt bình thường. Với tốc độ hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân được ra viện ngày 20/9, chỉ đúng một tuần sau cuộc đại phẫu.

Đặc biệt, trước khi phẫu thuật, hình ảnh 3D mô phỏng đã được dựng, các bác sĩ đều đã thực hiện ca mổ trên mô phỏng để tiên lượng được rủi ro, mang lại cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Hiện bệnh nhân cần đợi kết quả giải phẫu bệnh để xem có cần can thiệp xạ trị hay không, nhưng cũng chỉ là phương pháp bổ sung. Việc phẫu thuật khối u thành công là phương pháp điều trị tốt nhất với trường hợp ung thư xương này.

Theo GS Dũng, bệnh nhân này rất may mắn, vì giải phẫu bệnh bước đầu độ ác tính thấp. "Đó là lý do tại sao bệnh có tiến triển thời gian dài, cho đến khi u to đùng vẫn chưa vấn đề gì. Nếu độ ác tính cao sẽ khác. Bệnh nhân cũng chưa có di căn".

GS Dũng thông tin thêm, khối u xương nằm ở vị trí vùng tiểu khung sàn chậu rất hiếm gặp. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam chỉ có 5-10 ca, chiếm khoảng 5% các ca bệnh ung thư xương.