1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nam ca sĩ qua đời ở tuổi 32 do đột quỵ: Có phát hiện được sớm bệnh không?

Hà An

(Dân trí) - Ca sĩ Huy Bảo đột ngột qua đời ở tuổi 32 do đột quỵ. Điều này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Vậy đột quỵ là gì? Đâu là dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh?

Ca sĩ Huy Bảo, cựu thành viên của 18B Band, vừa qua đời vào ngày 30/8 ở tuổi 32 vì đột quỵ. Thông tin Huy Bảo ra đi khiến cho bạn bè đồng nghiệp đều thấy bàng hoàng vì quá đột ngột. 

Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn. Trong khoảng 80% trường hợp, điều này xảy ra do cục máu đông hoặc mạch máu bị tắc. 

Theo Cardiascreen, ảnh hưởng của đột quỵ sẽ phụ thuộc vào thời gian gián đoạn máu cung cấp lên não.

Nam ca sĩ qua đời ở tuổi 32 do đột quỵ: Có phát hiện được sớm bệnh không? - 1

(Ảnh minh họa: Istock).

Một cơn đột quỵ nhẹ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) xảy ra khi mạch máu chỉ bị tắc nghẽn tạm thời. Các triệu chứng có thể biến mất trong vòng vài phút khi nguồn cung cấp máu trở lại và có thể không có nhiều tổn thương vĩnh viễn đối với các tế bào não.

TIA có thể là dấu hiệu cho thấy một cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn sắp xảy ra. Khoảng 4 trong 10 người bị TIA sẽ bị đột quỵ.

Một cơn đột quỵ nặng có thể gây ra các triệu chứng rất nghiêm trọng, bao gồm cả những vấn đề lâu dài do tổn thương tế bào não. Đột quỵ thậm chí có thể gây tử vong nếu bạn không được cấp cứu kịp thời. 

Nam ca sĩ qua đời ở tuổi 32 do đột quỵ: Có phát hiện được sớm bệnh không? - 2

Ai có nguy cơ bị đột quỵ?

Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ, một số người có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những người khác. Điều quan trọng là phải biết liệu bạn có thuộc nhóm nguy cơ cao hơn hay không để nhận thức sớm các dấu hiệu cảnh báo. 

Bạn có thể không biết liệu mình có mạch máu yếu có thể bị vỡ hay không, nhưng các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác có thể được sàng lọc và kiểm soát. 

Hầu hết các cơn đột quỵ xảy ra khi có cục máu đông hoặc tắc nghẽn trong các mạch máu cung cấp cho não. May mắn thay, bạn có thể kiểm soát nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ này. 

Bạn có nhiều khả năng bị đột quỵ nếu:

- Bị thừa cân, béo phì. 

- Hút thuốc. 

- Uống nhiều rượu.

- Bị cholesterol cao.

- Bị huyết áp cao. 

- Mắc một số bệnh như tiểu đường hoặc rung nhĩ.

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và tận hưởng lối sống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu nhiều yếu tố rủi ro này. Kiểm tra huyết áp, mức cholesterol và các yếu tố khác có thể cho bạn biết liệu bạn có nhiều khả năng hình thành cục máu đông có thể gây đột quỵ hay không.

Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cuộc sống thay đổi, quá nhiều sang chấn tâm lý, công việc căng thẳng, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, kèm theo hút thuốc, ô nhiễm môi trường, tuổi thọ cao, bệnh đái tháo đường, mỡ máu… là nguyên nhân làm gia tăng bệnh lý đột quỵ, đặc biệt là có sự trẻ hóa. 

Gần như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu. 

"Với đột quỵ, thời gian cấp cứu là vàng, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Đến viện trong thời gian vàng, bệnh nhân sẽ được can thiệp sớm, đặt stent, dùng thuốc tiêu sợi huyết, phục hồi chức năng… Nhờ đó, nhiều người được cứu sống, không bị những di chứng do đột quỵ gây ra", PGS Hiền nói. 

Làm thế nào để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm?

Bạn có thể đã nghe từ viết tắt F.A.S.T trước đây. Đây là một cách dễ dàng để ghi nhớ những dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất của đột quỵ:

- Face (mặt): Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, hãy yêu cầu người đó cười và quan sát. 

- Arm (tay): Tay yếu hoặc tê (nếu bạn yêu cầu họ nhấc cả hai tay lên, một tay sẽ hạ xuống thấp hơn tay kia). 

- Speech (giọng nói): Các vấn đề về giọng nói như nói ngọng hoặc khó lặp lại một câu. 

- Time (thời gian): Hãy nhanh chóng gọi xe cấp cứu. 

Tuy nhiên, có một số triệu chứng khác có thể xảy ra mà bạn cũng nên chú ý:

- Đau đầu đột ngột và dữ dội.

- Chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc phối hợp.

- Mất thị lực hoặc thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt, điều này thường xảy ra đột ngột.

- Cảm thấy bối rối hoặc gặp khó khăn trong việc hiểu những điều thường dễ dàng đối với bạn

- Tê hoặc yếu ở một bên cơ thể (hoặc ở một cánh tay hoặc chân). 

Các dấu hiệu của đột quỵ thường xuất hiện đột ngột nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không có thời gian để hành động. Một số người sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, tê hoặc ngứa ran vài ngày trước khi bị đột quỵ nghiêm trọng.

Một nghiên cứu cho thấy 43% bệnh nhân đột quỵ trải qua các triệu chứng đột quỵ nhẹ khoảng một tuần trước khi họ bị đột quỵ nặng.

Nếu bạn lưu ý đến những triệu chứng này và tìm kiếm sự giúp đỡ ngay cả khi chúng biến mất thì cơ hội phục hồi của bạn sẽ cao hơn nhiều. Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm.

Bạn sẽ không phản ứng thái quá nếu có sự thay đổi khi bạn bị TIA. Bạn hãy đến bệnh viện ngay lập tức vì cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày.

Nam ca sĩ qua đời ở tuổi 32 do đột quỵ: Có phát hiện được sớm bệnh không? - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm