Năm 2020, sẽ giảm tỷ lệ mù lòa xuống còn 0,3%

(Dân trí) - Điều tra mới nhất về tình hình mùa lòa năm 2007 cho thấy tỷ lệ mù lòa chung trong dân số của nước ta là 0,43%. Đây là một tỉ lệ tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Quốc gia lập kế hoạch phòng chống mù lòa Việt Nam và hướng đến mục tiêu “Thị giác 2020”, do Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa, tổ chức từ 1 - 3/8 tại Bệnh viện Mắt T.Ư.

Theo thống kê, trên toàn quốc hiện có khoảng khoảng 1,58 triệu người thị lực kém; 370.640 người ở người độ tuổi từ 50 tuổi trở lên bị mù cả hai mắt, tập trung nhiều ở các tỉnh: Bình Định (5,76%), Bắc Ninh (4,79%) và Nghệ An (4,15%)… Các nguyên nhân chính gây mù hai mắt là đục thể thủy tinh (64,5%), các bệnh bán phần sau của nhãn cầu (10,1%), glôcôm (5,7%)…

Hiện nay, trung bình mỗi năm có khoảng 116.000 ca mổ đục thủy tinh thể được thực hiện, đạt tỷ lệ bao phủ 1.381ca/ 1triệu người (mục tiêu Thị giác 2020 của tổ chức y tế thế giới là 3.000/1triệu dân), đã trả lại ánh sáng cho nhiều người mù. Tuy nhiên, số tồn đọng mù cả hai mắt do đục thủy tinh thể còn rất lớn, vào khoảng 251.700 người, chưa kể mỗi năm lại có thêm 160.000 ca mù một mắt và mù 2 mắt. Một số căn bệnh nhiễm khuẩn và thiếu dinh dưỡng như mắt hột và khô mắt thiếu vitamin A còn tồn tại nhiều vùng trong cả nước, các bệnh tật khúc xạ có xu hướng tăng lên… cũng là những mối nguy đẩy tỷ lệ mù lòa tăng cao.

Mục tiêu của Ngành nhãn khoa từ nay đến năm 2020 là đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến lược phòng chống mù lòa ở Việt Nam, hạ thấp tỷ lệ mù lòa xuống còn 0,3% dân số. Đặc biệt sẽ thanh toán số trường hợp mù còn tồn đọng do đục thủy tinh thể với chỉ tiêu mổ 170.000ca/năm (năm 2012) và nâng lên 250.000 ca/năm vào năm 2020…

Hồng Hải