Mỹ phẩm kém chất lượng tràn lan: Cơ sở như thế nào mới được phép sản xuất?

(Dân trí) - Nhiều loại mỹ phẩm handmade được người bán tận dụng chính các loại thau, chậu, muôi, máy đánh trứng ngay trong nhà để sản xuất, khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về chất lượng của các sản phẩm này. Vậy một cơ sở như thế nào được coi là đạt chuẩn để sản xuất mỹ phẩm?

Vài năm trở lại đây, thị trường nổi lên hàng loạt các sản phẩm mỹ phẩm mới, do các cơ sở của chính người Việt sản xuất, với đủ loại quy mô lớn nhỏ từ công nghiệp với máy móc tự động cho đến tự làm ngay tại nhà. Thậm chí, có nhiều loại kem trộn, mỹ phẩm handmade được người bán tận dụng chính các loại thau, chậu, muôi, máy đánh trứng ngay trong nhà để sản xuất, khiến người tiêu dùng không khỏi quan băn khoăn về chất lượng của các sản phẩm này. Vậy một cơ sở như thế nào được coi là đạt chuẩn để sản xuất mỹ phẩm?

Mỹ phẩm kém chất lượng tràn lan: Cơ sở như thế nào mới được phép sản xuất? - 1

Trên thực tế, nhà nước đã ban hành những quy định rất cụ thể, nhằm siết chặt quản lý chất lượng mỹ phẩm, cũng như các cơ sở sản xuất mỹ phẩm.

Các văn bản pháp luật định nghĩa sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và bên ngoài cơ quan sinh dục) hoặc răng và niêm mạc miệng với một hoặc nhiều mục đích chính sau: Làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Trước hết, về điều kiện để sản xuất mỹ phẩm, Nghị định 93/2016/NĐ-CP “Quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm”, được Chính phủ ban hành vào ngày 01 tháng 7 năm 2016 đã quy định rõ:

Điều kiện để cơ sở sản xuất mỹ phẩm hoạt động là phải được thành lập hợp pháp. Cùng với đó, cơ sở phải sở hữu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Mỹ phẩm kém chất lượng tràn lan: Cơ sở như thế nào mới được phép sản xuất? - 2

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cũng được quy định rõ tại Điều 4, Chương II của Nghị định này.

Cụ thể, Cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các điều kiện như sau:

-Điều kiện về nhân sự: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.

-Điều kiện về cơ sở vật chất:

a) Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

b) Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải đảm bảo có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để đảm bảo các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên vật liệu và các sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.

-Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu sau:

a)Nguyên liệu, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.

b)Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

c) Các loại bán thành phẩm đưa vào sản xuất phải có tiêu chuẩn chất lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.

d) Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm.

đ) Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm

e) Có hệ thống lưu giữ hồ sơ tài liệu.

Minh Nhật