Mỹ phẩm bị thu hồi vì chứa chất cấm, lấy mẫu kiểm nghiệm

(Dân trí) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã yêu cầu lấy mẫu kiểm nghiệm loại kem mắt DeAura từng bị thu hồi một lô tại châu Âu vì chứa chất bảo quản bị cấm.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin, một lô gel dưỡng da vùng mắt Eye Performer Gel Supérieure của nhãn hàng DeAura D`or mystér (Israel) bị thu hồi năm 2017, sau khi quốc gia Estonia đưa ra cảnh báo vì phát hiện chứa hỗn hợp chất methylisothiazolinone (MIT) và methylchloroisothiazolinone (MCT).

Mỹ phẩm bị thu hồi vì chứa chất cấm, lấy mẫu kiểm nghiệm - 1

Đây là hỗn hợp bị cấm dùng trong các sản phẩm lưu lại (mỹ phẩm) và được biết, trên nhãn sản phẩm bị thu hồi có ghi thành phần này.

Tại Việt Nam cũng đang lưu hành sản phẩm này. Tuy nhiên ông Lợi cho biết, kiểm tra trên nhãn sản phẩm, phiếu công bố thành phần của sản phẩm trên không có hỗn hợp này.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu lấy mẫu loại kem mắt này kiểm nghiệm, tìm xem có hai chất cấm như lô sản phẩm gel dưỡng da vùng mắt bị thu hồi tại Châu Âu hay không.

Ông Lợi thông tin thêm, tại Việt Nam từ năm 2015 cũng quy định hỗn hợp chất methylisothiazolinone (MIT) và methylchloroisothiazolinone (MCT) cũng chỉ được cho phép sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm theo tỷ lệ 3:1, nồng độ tối đa 0,0015% và dùng trong các sản phẩm rửa sạch, không áp dụng cho sản phẩm lưu lại (mỹ phẩm).

Đây là các chất tạo bọt; được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu, kem dưỡng da, kem đánh răng, mascara, nước tẩy trang, kem cạo râu và nhiều sản phẩm dùng cho trẻ em như khăn ướt, sữa tắm...

Thời gian qua phương, dư luận xôn xao vì phương thức kinh doanh mỹ phẩm này. Phản ánh trên báo chí, nhiều người tiêu dùng "tố" cảm thấy bị lừa, bỗng dưng "ôm nợ" vào người khi mua bộ mỹ phẩm vài chục triệu trong tình trạng không tỉnh táo, bị thúc giục...dẫn đến mắc nợ công ty tài chính hoặc ngân hàng...

Cục Quản lý Dược cho biết, cơ quan này đã cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm mỹ phẩm cho 87 sản phẩm DeAura. Tuy nhiên trên thực tế, công ty này báo cáo kinh doanh 24 sản phẩm. Cục Quản lý Dược cũng từng kiểm tra, Tphát hiện Công ty TNHH DeAura vi phạm hai mẫu quảng cáo, nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã gửi Sở Y tế Hà Nội.

Trước đó, tháng 11/2017 Sở Y tế Hà Nội cũng đã lấy mẫu một số mỹ phẩm của DeAura đi kiểm nghiệm về các chỉ tiêu: pH, độ ổn định, kim loại nặng (arsen, chì), vi sinh vật... cho kết quả đều đạt yêu cầu các tiêu chí đã kiểm nghiệm.

Tú Anh