Muốn mở cửa hàng kinh doanh ăn uống cần những điều kiện gì?

Tú Anh

(Dân trí) - Nhiều người băn khoăn muốn kinh doanh hàng ăn, có phải cứ nấu ngon là có thể tự bán? Điều kiện nào để được mở hàng quán kinh doanh.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y Tế và cần có giấy phép cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để được phép hoạt động.

Muốn mở cửa hàng kinh doanh ăn uống cần những điều kiện gì? - 1

Quán ăn tại Hà Nội lắp đặt vách ngăn phòng Covid-19 (Ảnh minh họa: Sơn Tùng).

Vậy quy mô cơ sở như thế nào thì cần làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm?

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể (Theo khoản 5, Điều 2, Luật an toàn thực phẩm 2010); Cửa hàng cung cấp dịch vụ ăn uống.

Theo quy định, để được kinh doanh dịch vụ ăn uống cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm.

- Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Để được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, chủ kinh doanh cần có đơn đề nghị; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất (có xác nhận của cơ sở); Danh sách người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.=

Sau khi cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trong trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ sở trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

Trường hợp quá 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo, cơ sở không bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì hồ sơ của cơ sở không còn giá trị. Tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ mới để được cấp Giấy chứng nhận nếu có nhu cầu.

Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thành lập đoàn thẩm định hoặc ủy quyền thẩm định và lập Biên bản thẩm định trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Nếu kết quả thẩm định đạt yêu cầu, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.

Với trường hợp kết quả thẩm định tại cơ sở chưa đạt yêu cầu và có thể khắc phục, đoàn thẩm định phải ghi rõ nội dung, yêu cầu và thời gian khắc phục vào Biên bản thẩm định với thời hạn khắc phục không quá 30 ngày.

Sau khi có báo cáo kết quả khắc phục của cơ sở, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Đoàn thẩm định đánh giá kết quả khắc phục và ghi kết luận vào biên bản thẩm định. Trường hợp kết quả khắc phục đạt yêu cầu sẽ được cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp kết quả khắc phục không đạt yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo kết quả thẩm định cơ sở không đạt yêu cầu bằng văn bản cho cơ sở và cho cơ quan quản lý địa phương.