Muốn bé ăn rau? Đừng nói rau tốt

(Dân trí) - Đối với trẻ em, những thông điệp về ăn uống lành mạnh không hề có tác dụng.

 
Trẻ không thích ăn những thực phẩm được gắn mác “tốt cho sức khỏe”
Trẻ không thích ăn những thực phẩm được gắn mác “tốt cho sức khỏe”

 

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Chicago, Mỹ thấy rằng trẻ em tuổi tiền học đường, từ 3-5 tuổi, sẽ ít ăn những loại thức ăn được nói rằng những thành phần trong đó sẽ khiến chúng thông minh hơn hay khỏe mạnh hơn, vì trẻ tin rằng thức ăn “tốt” thì sẽ không “ngon”.
 

Các nhà nghiên cứu gợi ý các bậc cha mẹ và nhà sản xuất chỉ nên đơn giản là phục vụ những mặt hàng “không kèm theo bất cứ thông điệp nào về mục đích”.

 

Các tác giả kết luận: “Trẻ nhỏ thường hiểu thông điệp về thức ăn một cách máy móc rằng nếu một món nào đó tốt cho mục đích này thì nó không thể là phương tiện để đạt được mục đích khác. Như vậy, nếu một món nào đó được giới thiệu là sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn, hoặc giúp đạt được một mục tiêu nào đó, thì trẻ sẽ kết luận rằng món đó không ngon và do đó sẽ ăn ít hơn so với những món được giới thiệu là ngon hoặc không kèm theo thông điệp gì.”

 

Để kiểm tra giả thuyết này, các tác giả đã tiến hành nhiều test khác nhau về khẩu vị trên trẻ tuổi tiền học đường ở trường McGaw YMCA, bang Illinois, Mỹ.

 

Trong một tình huống, một nghiên cứu viên đọc cho các bé nghe câu chuyện về một bé gái tên là Tara đã ăn loại bánh giòn Wheat Thins trước khi đóng kịch.

 

Câu chuyện có hai phiên bản, một nhắm vào những lợi ích sức khỏe của món bánh giòn, còn phiên bản kia thì không kèm theo bất kỳ thông điệp nào.

 

Trong phiên bản “sức khỏe”, câu chuyện trình bày món bánh giòn như một công cụ để được mạnh hơn, khỏe hơn, giàu sinh lực hơn, trong đó nghiên cứu viên chỉ vào cơ bắp ở tay mình để minh họa.

 

Để xác nhận là trẻ hiểu rõ thông điệp của câu chuyện, khi kết thúc câu chuyện, nghiên cứu viên sẽ hỏi các bé: “Các cháu có biết là bánh Wheat Thins tốt cho sức khỏe của các cháu không?”.
 

Dự đoán của các nhà nghiên cứu hóa ra là đúng, trẻ ít ăn món bánh giòn hơn khi bánh được phục vụ kèm theo thông điệp về sức khỏe.

 

Đa số trẻ liên hệ việc ăn uống lành mạnh với những thuật ngữ như “làm con khỏe”, “tốt cho con”, “giúp con mau lớn”, và “cho con sức lực”.

 

Song một số cũng nghĩ rằng thông điệp này đồng nghĩa với việc phải tránh xa món tráng miệng.

 
Nghiên cứu cũng tham khảo một nghiên cứu trước đây thấy rằng trẻ từ 9 - 11 tuổi thích đồ uống được ghi nhãn là “Nước uống mới” hơn đồ uống có tên “Nước uống mới tốt cho sức khỏe”.
 
Nghiên cứu sẽ được đăng trên tờ Journal of Consumer Research.

 

Cẩm Tú

Theo Daily Mail