Mục sở thị ca cấp cứu ngừng tim trong khi gây tê tuỷ sống

(Dân trí) - Tại bệnh viện Việt Đức, trong khi gây tê tuỷ sống, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo nhưng bất ngờ, nhịp tim của bệnh nhân hạ xuống mức nguy hiểm. Ngay lập tức, ê-kíp gây mê nhanh chóng gọi thêm người, thực hiện ép tim, kiểm tra dây thở và tiêm adrealine...


Các BS đang nỗ lực cứu bệnh nhân

Các BS đang nỗ lực cứu bệnh nhân

Đang trong quá trình gây tê tuỷ sống cho bệnh nhân, máy theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân bất ngờ phát tiếng bíp bíp dồn dập, chỉ số nhịp tim trên máy theo dõi chuyển màu đỏ. Một BS gây mê thông báo bệnh nhân bị ngừng tim, cần gọi thêm người. Ngay lập tức cả ê kíp gây mê 3 người lao vào cứu bệnh nhân. Một người kiểm tra, cố định ống nội khí quản và đọc các chỉ số trên máy. Trong khi đó, một người thực hiện thao tác ép tim liên tục cùng sốc điện. Người còn lại chuẩn bị adrealine để tiêm. Sau nhiều lần ép tim, 2 lần sốc điện và 2 mũi tiêm adrealine, nhịp tim của bệnh nhân đã trở lại trạng thái an toàn.

Rất may, đây chỉ là tình huống giả định tại Phòng thực hành tiền lâm sàng mô phỏng trong gây mê hồi sức đặt tại bệnh viện Việt Đức để các học viên gây mê thực hành với sự hỗ trợ của các chuyên gia về gây mê đến từ Úc.

Mục sở thị ca cứu bệnh nhân ngừng tim trong khi gây tê tuỷ sống

Đây là phòng thực hành tiền lâm sàng mô phỏng trong gây mê hồi sức đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á với những máy gây mê kèm thở từ loại cơ bản (dùng cho y tế tuyến cơ sở) đến máy gây mê đang dùng cho tuyến tỉnh, trung ương và cả loại tiên tiến bậc nhất mà Việt Nam chưa có, mới chỉ đang được sử dụng ở các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Đức…. có trị giá lên tới 300.000 đô la (tương đương 6 tỷ đồng).

Hiện đang có 5 kịch bản để học viên thực hành như hít phải dị vật, sốc thuốc… và các kịch bản sẽ tiếp tục được xây dựng trong tương lai.

Đối tượng của phòng học sẽ là các bác sĩ, điều dưỡng mới vào nghề; đối tượng cần bổ túc kỹ năng GMHS ở tất cả các tuyến; các trường ĐH, CĐ, TTĐT, Hội nghề nghiệp trong nước và trong ASEAN. Ngoài ra, đây cũng là nơi các nước trong khu vực có thể đến đây để tham quan học tập.


Từ trái qua phải gồm Ông Nilesh Shah, đại diện nhà tài trợ, GS.TS Nguyễn Viết Tiến và GS.TS Nguyễn Quốc Kính

Chia sẻ về mô hình này, GS.TS Nguyễn Quốc Kính - Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức- BV Việt Đức, cho biết, có những tình huống cả đời làm gây mê như ông mới gặp 1 lần và việc thực hành tại phòng mô phỏng này sẽ giúp GS. và các đồng nghiệp xử lý tình huống nhanh và đúng hơn.

Còn theo GS.TS Nguyễn Quốc Anh, Phó chủ tịch Hội Gây mê hồi sức, Giám đốc BV Bạch Mai, mô hình này sẽ giúp nâng cấp quá trình đào tạo trong lĩnh vực gây mê hồi sức lên một bước mới bởi nó giúp kiểm tra quá trình xử lý cấp cứu đã chính xác chưa, từ đó giúp học viên thực hành tốt hơn nữa.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, mô hình này ý nghĩa cả về thực hành và lý thuyết bởi mọi thao tác của học viên đều được máy ghi nhận và phân tích về độ chính xác và hiệu quả.

Với số lượng 1.500 hội viên trên cả nước, GS.TS Công Quyết Thắng, chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức cho biết, việc đào tạo trong lĩnh vực Gây mê hồi sức rất quan trọng và nhu cầu được đào tạo rất lớn khi chỉ có 1 bác sĩ gây mê trên gần 135.000 dân (tại Singapore là 1/22.000 người, Philipin là 1/40.000 người).

“Hôm nay là 1 ngày rất đặc biệt với Hội Gây mê hồi sức”, GS Thắng đánh giá.

Bài và ảnh: Trần Phương

Email: tranthuphuong@dantri.com.vn