Mùa mưa, khó kiểm soát nguồn nước nhiễm khuẩn tả

(Dân trí) - “Với ao hồ phát hiện có vi khuẩn tả, chúng tôi rắc vôi bột quanh hồ, ao rồi cắm biển nước ô nhiễm cấm sử dụng. Thế nhưng, chỉ cần một trận mưa to, nước sẽ tràn ao rồi lan ra ngoài. Trong khi đó, mùa mưa đã đến rất gần...

Như tại ao của hộ gia đình ở Thanh Hoá được xác định có khuẩn phẩy tả. Hiện đã cắm biển cấm sử dụng nhưng với diện tích ao quá nhỏ, nông, chỉ cần một trận mưa to, nước sẽ tràn bờ, lan rộng ra môi trường. Vì thế, để kiểm soát vi khuẩn tả ở các ao, hồ này thực sự là khó khăn”, đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá bày tỏ tại cuộc họp giao ban bất thường về tiêu chảy cấp hôm 9/4.

Cùng quan điểm này, đại diện của các tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy cấp cũng đang rất lo lắng không biết xử lý nguồn nước nhiễm vi khuẩn tả như thế nào.

Nhiều đại biểu bày tỏ, việc kiểm soát nước ở ao, hồ là điều rất khó vì nó mang tính riêng lẻ và nhiều vô kể. Nước ao nhà luôn gắn liền với sinh hoạt của người dân, từ tắm giặt, rửa chân tay khi đi làm đồng về đến tưới rau… Không phải địa phương nào cũng có điều kiện kinh phí mạnh như Hà Nội để khử khuẩn hồ Linh Quang với khoảng trên 1 tấn Chloramin B, trị giá gần 80 triệu đồng.

Hà Nội chỉ có khoảng 30 hồ tù đọng, trong khi đó, ở các vùng nông thôn, ao hộ gia đình nhiều vô kể do người dân tự đào ao để nuôi cá. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn có thói quen phóng uế thẳng ra mương, kênh, sông… rồi lại dùng nguồn nước này để tới rau, sử dụng phân tươi tưới rau, chăn nuôi.

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã phát hiện mầm bệnh này trong 15 mẫu nước ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tây, các mẫu được lấy ở cống, hồ, ao, sông, mương và cả nước rửa tay. Hay như tại sông Nhuệ cũng đã bước đầu xác nhận nhiều đoạn chảy qua khu dân cư có dịch tả. Trong khi đó, dòng chảy luôn luân chuyển, nguy cơ phẩy khuẩn tả lan nhanh ra môi trường rộng hơn là rất cao.

Vì thế, đại diện các tỉnh này đề nghị Bộ Y tế cần nhanh chóng ban hành quy trình xử lý nguồn nước nhiễm vi khuẩn tả, nếu không mùa mưa tới gần, càng khó kiểm soát được sự lây lan rộng của vi khuẩn nguy hiểm này.

Trước mắt, Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương cần tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường. Còn với hồ, ao, kênh mương bị nhiễm phẩy khuẩn tả cần có biển cấm sử dụng, ngăn không cho lưu thông nước và sử dụng vôi bột hoặc Chloramin B để khử trùng.

Hồng Hải