Mùa hè không yên ả
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nghỉ hè là các loại tai nạn trẻ em dường như đua nhau xuất hiện. Vốn có ít, thậm chí không có điều kiện vui chơi như các bạn cùng lứa, một bộ phận trẻ em, nhất là các em nhà nghèo ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, đã trở thành nạn nhân trong những câu chuyện buồn mùa hạ.
Một. Thông tin về nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn trên mặt được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ có con nhỏ. Trong 3 trường hợp mới nhất, gồm 2 ở TP HCM và 1 ở Tây Ninh, bác sĩ điều trị mô tả các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương nham nhở trên mặt, trông thật thê thảm. Với những vết thương như vậy, các bác sĩ đã phải xử trí hết sức căng thẳng, vừa để điều trị hiệu quả vừa hạn chế những vết sẹo khó tránh sau này.
Vì sao các em bị chó cắn? Phần lớn những trường hợp ghi nhận được cho thấy các em thường mải mê đùa vui với món đồ chơi nào đó mà không có người lớn bên cạnh; rồi khi đồ chơi rơi vào chỗ chó đang nằm, các em cứ hồn nhiên chạy đến lấy... và thế là bị chó tấn công.
Hai. Có thể nói, trẻ chết đuối là một trong những nỗi ám ảnh dai dẳng nhất của gia đình, cộng đồng và xã hội. Mỗi năm cả nước có khoảng 3.600 trẻ em chết đuối và tai nạn này thường tăng cao vào mùa hè, mùa mưa lũ. Một trong những vụ chết đuối bi thương nhất đã xảy ra tại tỉnh Bình Định cách đây hơn 1 tháng. Một gia đình nghèo ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Nhơn đã phải tức tưởi rời xa cùng lúc 3 đứa con (trong đó bé lớn nhất 6 tuổi, bé nhỏ nhất 2 tuổi) sau buổi chiều định mệnh ở ao bèo. Khói hương não nề vẫn bảng lảng quanh mái nhà đìu hiu này suốt mấy ngày sau đó. Sau đại tang, hai vợ chồng làm thuê chỉ còn lại một đứa con. Họ chẳng còn nước mắt để khóc. Họ chỉ trách tạo hóa quá bất công!
Ba. Rắn độc luôn là mối nguy treo trên đầu các em ở những vùng quê xa, hẻo lánh vốn chỉ biết tranh thủ những ngày hè để phụ gia đình kiếm sống bằng công việc hái lượm hay mò cua bắt ốc. Chỉ riêng tại TP HCM, 2 bệnh viện nhi đồng mỗi năm tiếp nhận trung bình 30-40 trẻ em bị rắn độc cắn. Lúc hữu sự, các bác sĩ luôn tận tình cứu chữa nhưng với các nạn nhân nhỏ tuổi thì có em may mắn, có em không. Những trường hợp bất hạnh có thể do nạn nhân nhập viện chậm; do xử trí ban đầu không đúng cách; do đắp thuốc của thầy lang gây nhiễm trùng... Có thể nói, lời khuyên của các bác sĩ về những điều nên và không nên làm khi bị rắn cắn có vẻ như chưa được nhiều người tiêu hóa đầy đủ.
Ba câu chuyện trên, cùng với hàng chục loại tai nạn khác giáng xuống trẻ em đủ để phủ một màu xám lên góc bức tranh mùa hè của những “thiên thần nhỏ”.
Theo Cao Tuấn
Người lao động