Mùa hè, hoạt động thể lực thế nào?
(Dân trí) - Mải mê với các hoạt động thể thao, vui chơi yêu thích, bạn có thể không cảm nhận được sự báo động của cơ thể vì thân nhiệt tăng quá mức. Nếu bạn không có ngay biện pháp tích cực, bạn sẽ nhanh chóng gặp rắc rối.
Trong những điều kiện bình thường, cơ thể hoàn toàn tự kiểm soát được nhiệt độ cơ thể thông qua da, lưu lượng máu và mồ hôi. Tuy nhiên, hệ thống này có thể bị nhiễu nếu bạn hoạt động quá mạnh và liên tục dưới nhiệt độ cao.
Thời tiết ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?
Hoạt động trong những ngày nóng bức sẽ làm gia tăng áp lực cho hệ thống tim mạch. Nguyên do là quá trình vận động và nhiệt độ ngoài trời đã làm nhiệt độ cơ thể bạn tăng bất thường. Kết quả là việc vận chuyển máu và oxy cung cấp cho các tế bào sẽ phải gia tăng theo cấp số nhân và tất nhiên, tim bạn cũng sẽ phải gia tăng hoạt động để đáp ứng yêu cầu đó. Nếu nóng bức lại kèm với độ ẩm quá cao, thân nhiệt sẽ càng tăng cao do mồ hôi không thể thoát ra qua đường da.
Khi hệ thống điều hoà nhiệt độ cơ thể bị quá tải sẽ dẫn tới hiện tượng chuột rút; khát nước; cảm giác mệt lử như người kiệt sức và nặng hơn là đột quỵ do nóng.
Những triệu chứng thường gặp
Hãy ngừng việc luyện tập ngay lập tức nếu bạn thấy các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Sự mệt mỏi, kiệt quệ. Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này bao gồm da trở nên nhợt nhạt, ẩm ướt và sờ vào thấy lạnh; bị chuột rút, mạch yếu, buồn nôn, toàn thân ớn lạnh, hoa mắt, không xác định được phương hướng. Ngoài ra, người bị chứng này còn có thể bị đau đầu và thở dốc.
- Đột quỵ: Đây là một triệu chứng nguy hiểm và có thể đe doạ nghiêm trọng tính mạng. Da bạn trở nên nóng và khô. Toàn thân trở nên run rẩy và lả dần đi. Lúc này, cơ thể hoàn toàn không có mồ hôi còn thân nhiệt có thể lên tới trên 41 độ C.
Ngay khi lờ mờ xuất hiện một trong những dấu hiệu kể trên, hãy nhanh chóng hạ nhiệt cơ thể bằng cách uống nước, nâng chân cao hơn đầu và có thể làm mát da bằng quạt và nước mát hoặc ngâm cả người trong nước mát. Sau đó, đưa ngay tới bệnh viện.
-Chuột rút: Chuột rút là hiện tượng các bắp thịt và cơ bị co rút gây đau đớn thường xảy ra khi cơ thể hoạt động tích cực trong môi trường nóng bức. Chúng chính là phản ứng của cơ thể về sự mất cân bằng giữa lượng muối và nước trong cơ thể (nước trong cơ thể bị mất quá nhiều qua đường da (mồ hôi)). Hiện tượng này thường gặp nhất ở tay, chân và bụng.
Chuột rút cũng có thể là một triệu chứng của sự kiệt quệ. Hãy ngừng luyện tập ngay nếu bạn bị chuột rút. Ngồi vào chỗ mát và xoa bóp nhẹ nhàng vùng bị chuột rút bằng một chiếc khăn lạnh, uống bổ sung nước quả hay đồ uống dành cho người chơi thể thao. Chỉ được chơi trở lại sau khi hiện tượng chuột rút biến mất hẳn vài giờ
Cách phòng tránh
- Uống đủ nước. Để làm mát cơ thể và duy trì thân nhiệt, cơ thể sẽ tự toát mồ hôi. Lao động nặng nhọc dưới cái nóng sẽ làm cơ thể bạn mất đi 2,28 lít nước mỗi giờ. Vì vậy phải bổ sung lượng nước thất thoát này bằng nước lọc, nước uống cho người chơi thể thao và nước hoa quả pha loãng. Tuyệt đối tránh các loại nước có chứa cafein như cà phê, trà và cola vì chúng sẽ đẩy nhanh quá trình mất nước của cơ thể.
Nước uống thể thao thường chứa chất điện giải, clorua và kali, thường bị mất trong quá trình bài tiết mồ hôi của cơ thể. Nếu bạn phải hoạt động lâu hơn một giờ dưới nắng nóng hãy chuẩn bị đồ uống có chứa cacbon hydrat và chất điện giải.
Không được chủ quan rằng chỉ uống nước khi cảm thấy khát vì khi đó, cơ thể bạn đã bị mất nước ở tình trạng báo động, đặc biệt là dưới thời tiết nóng bức.
- Trang phục nhẹ, thoáng, thấm hút tốt và phải sáng màu. Những trang phục màu tối và bí có thể làm tăng thân nhiệt và làm giảm sự thoát mồ hôi. Trang phục cotton sẽ giúp da dễ thở hơn.
Tránh mặc những bộ quần áo quá nặng và có chứa chất dẻo vì chúng có thể gây nguy hiểm cho bạn trong mọi điều kiện thời tiết.
Những bộ quần áo rộng rãi sẽ giúp điều hoà thân nhiệt của bạn nhờ việc đối lưu không khí và mồ hôi có thể thoát hơi dễ dàng.
Một chiếc mũ lưỡi trai sáng màu có thể hạn chế được những tia bức hại từ mặt trời.
- Chọn thời điểm sáng sớm hoặc tối muộn. Đây là những lúc mà nhiệt độ hạ hơn hẳn so với trong ngày. Nếu có thể hãy chơi thể thao và làm việc trong bóng dâm.
- Mặc trang phục chống nắng. Cái nóng gay gắt sẽ bị mất tác dụng rất nhiều.
- Làm quen dần với nhiệt độ cao. Cơ thể sẽ dễ dàng thích ứng với thời tiết nắng nóng khi bạn tăng dần thời gian luyện tập một cách hợp lý. Thời gian hợp lý cho việc làm quen này là từ 4 – 12 ngày. Rút ngắn thời gian vận động, giảm cường độ để cơ thể thích ứng dần dần.
- Tham vấn bác sĩ nếu đang có bệnh mạn tính. Nếu bạn phải hoạt động trong thời tiết nắng nóng, không chỉ năng suất lao động bị ảnh hưởng mà sức khoẻ của bạn cũng sẽ có chiều hướng xấu đi và không thể lường trước.
- Luôn chú ý tới người già và trẻ nhỏ. Nếu có 2 nhóm đối tượng này tham gia các môn chơi thể thao khi thời tiết đang nắng nóng thì bạn cần phải chú ý tất cả những dấu hiệu và triệu chứng dẫn tới sự kiệt sức, đột quỵ và chuột rút có thể xảy ra.
Lưu ý
Luôn có sẵn những phương án dự phòng khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột. Tốt nhất là nên tránh hoạt động vào những ngày quá nóng. Nếu không thể đừng hãy tham gia các hoạt động trong nhà như tập erobic, đi bộ hay leo cầu thang trong những toà nhà có bật điều hoà nhiệt độ.
Chơi thể thao an toàn. Hoạt động thể lực là để giúp bạn khoẻ hơn và sống lâu hơn. Chính vì thế không nên đặt cược sức khoẻ của mình bằng cách lao ra cái nắng nóng gay gắt. Việc bạn ngừng hoạt động trong thời tiết nóng bức đã là cách hữu hiệu để bảo đảm sức khoẻ của bản thân.
Thu Phương
Theo MSN